Nhiếp ảnh trên smartphone ngày càng thêm lợi hại

Từ vài năm nay, khi dự các cuộc họp báo hay sự kiện ở trong và ngoài nước, tôi nhìn thấy ngày càng có thêm nhiều người tham dự không còn phải lỉnh kỉnh và khệ nệ mang theo những bộ máy ảnh chuyên nghiệp DSLR nữa. Ngay cả máy ảnh nhỏ compact cũng không còn xuất hiện nhiều tại các điểm du lịch. Tất cả tác vụ chụp ảnh và quay phim giờ đây được giao cho chiếc smartphone nhỏ nhưng có võ.

Qua thời máy ảnh nhỏ cầm tay

Tất nhiên xét về nghệ thuật nhiếp ảnh, máy ảnh chuyên nghiệp DSLR vẫn là thiên hạ vô đối. Trong khi đó, camera chỉ là một thành phần và chụp ảnh chỉ là một chức năng của smartphone. Cho tới nay, các nhà thiết kế smartphone chỉ mới có thể ngày càng mon men lại gần chủng loại camera DSLR, cố gắng đưa càng nhiều càng tốt những tính năng của máy ảnh DSLR lên chiếc smartphone. Tuy nhiên, bản thân của chiếc smartphone với những bó buộc về kích thước và tính năng không cho phép hệ thống camera của nó ngang bằng máy ảnh DSLR được.

Nhưng thực tế cho thấy với các tác vụ chụp ảnh, quay phim phổ dụng, nhất là để phục vụ cho các thể loại truyền thông trên Internet, smartphone giờ đây đã dư sức đảm đương. Lợi thế siêu đẳng của smartphone khi chụp ảnh là gọn nhẹ, tiện dụng và có thể tải ngay lên Internet hay “bắn” về tòa soạn ngay sau khi ghi hình xong. Về cái khoản chụp ảnh tự sướng selfie thì smartphone vẫn phải được gọi là “sư tổ”.

Camera trên smartphone ngày càng được cải thiện và đang có dấu hiệu vượt mặt cả máy ảnh truyền thống. Ảnh: INTERNET

Điều đã thấy rõ là chụp ảnh trên smartphone hiện đang là một trong những lĩnh vực chạy đua gay gắt giữa các hãng smartphone. Thậm chí nó còn trở thành một điểm nhấn cho họ tiếp thị sản phẩm mới. Chẳng hạn như Oppo từ đầu năm 2016 đã dùng logo mới với dòng chữ Camera Phone sau khi hồi tháng 9-2013 họ tạo được dấu ấn với chiếc N1 có camera xoay (rotating camera) đầu tiên trên thế giới. Asus thì có gia đình Zenfone với công nghệ nhiếp ảnh độc quyền PixelMaster kết hợp phần cứng, phần mềm và thiết kế quang học lại thành một hệ thống máy ảnh được giới thiệu là hoàn toàn mới. Vào tháng 2-2016, Samsung đưa ra bộ đôi smartphone flagship mới Galaxy S7 và S7 edge với camera Dual Pixel lần đầu tiên có trên smartphone được giới thiệu là tạo ra một tiêu chuẩn mới cho nhiếp ảnh trên smartphone, mà trang công nghệ The Verge đánh giá là “một trong những smartphone camera ấn tượng nhất”. Hai tháng sau, Huawei ra mắt dòng smartphone P9 với camera ống kính kép đồng phát triển với hãng máy ảnh Leica và được quảng bá là tái sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh trên smartphone (reinvent smartphone photography).

Cuộc chạy đua mới

Cuộc chạy đua về chụp ảnh trên smartphone đang ngày càng gay gắt và mang đậm chất công nghệ mà “ngư ông đắc lợi” chính là người dùng. Sau cuộc chạy đua về độ phân giải camera thì gần đây các hãng chuyển sang tập trung chạy đua về công nghệ. Kích thước cảm biến ảnh lớn hơn, khẩu độ rộng hơn, ống kính nhiều thành phần, ứng dụng tia laser vào lấy nét tự động và mới nhất là kích thước điểm ảnh lớn hơn. Một vài hãng còn trang bị CPU xử lý hình ảnh riêng cho smartphone chứ không phụ thuộc vào chip CPU nữa, như Sony tích hợp chip xử lý hình ảnh Bionz của mình vào dòng Xperia X. Cũng giống như các nhà sản xuất thiết bị game hợp tác với các game thủ, ngày càng có thêm nhiều hãng smartphone dựa trên chính các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp để cùng phát triển hệ thống máy ảnh trên smartphone.

Cho tới thời điểm này, hệ thống camera trên smartphone đã có thể thay thế, thậm chí qua mặt chủng loại camera compact (loại camera gọn nhẹ cho du lịch) và có thể thay thế ngon lành cho các camera chuyên nghiệp DSLR trong các nhiệm vụ phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Nói tóm lại là smartphone camera đã gây thiệt hại không hề nhẹ cho doanh thu của các nhà sản xuất máy ảnh và cả máy quay phim nữa.

Máy ảnh smartphone mấy chấm là vừa?

Có lẽ nhà vô địch của các thời đại là chiếc Nokia Lumia 1020 ra đời tháng 7-2013 chạy hệ điều hành Microsoft Windows Phone 8 có máy ảnh với độ phân giải tới 41MP (khả dụng là 38MP). Từ đó tới nay, chỉ có một số ít smartphone có máy ảnh trên 20MP một chút (mới ra đời hồi tháng 2-2016 là chiếc Sony Xperia X có máy ảnh 23MP). Dần dần người ta chuẩn hóa là camera sau của smartphone high-end ở mức 15-16MP là vừa. Máy ảnh có độ phân giải càng lớn càng thêm hao pin và “ngốn” dung lượng bộ nhớ lưu trữ, chưa kể là dung lượng data khi truyền tải trên Internet.

Đọc thêm