Trung Quốc có thực sự sử dụng Huawei như công cụ gián điệp?

Việc kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei đang phát triển khá tốt nhưng mảng thiết bị mạng (router, máy chủ, thiết bị chuyển mạch,…) lại gặp nhiều khó khăn, điều này đặc biệt nghiêm trọng khi đây là mảng sinh lời nhiều hơn so với điện thoại thông minh.

Chuyện gì đang xảy ra với Huawei?

Những lo ngại liên quan đến Huawei vốn chẳng phải mới. Hồi năm 2012, quốc hội Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo rằng Huawei và ZTE có thể là mối đe dọa an ninh.

Vào tháng 1-2018, tờ nhật báo tiếng Pháp, Le Monde xuất bản một bài báo tuyên bố chính phủ Trung Quốc đã do thám trụ sở của Liên minh châu Phi.

Tháng 8-2018, Chính phủ Úc tuyên bố Huawei và ZTE sẽ không được tham gia vào việc xây dựng mạng 5G tại quốc gia này. Không lâu sau, đến lượt New Zealand cũng ban hành lệnh cấm tương tự.

Trong thời gian này, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), trong đó có một phần cấm chính phủ sử dụng công nghệ của Huawei và ZTE.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết Huawei đang bị các công tố viên Mỹ điều tra vì cáo buộc ăn cắp công nghệ được T-Mobile sử dụng để thử nghiệm điện thoại thông minh.

Ông Richard Fadden, cựu cố vấn an ninh quốc gia Canada cho biết trên tờ The Globe and Mail: “Chính phủ nên cấm Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng 5G để bảo vệ an ninh của người dùng Canada”.

Bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei (cũng là con gái của người sáng lập công ty - Ren Zhengfei) đã bị bắt tại Canada vào tháng 12-2018 vì bị buộc tội bán thiết bị viễn thông cho Iran, trái với lệnh trừng phạt của Mỹ. Hiện bà Mạnh đang phải đối mặt với một phiên tòa vào tháng 2-2019 và lệnh dẫn độ sang Mỹ.

Tháng 1-2019, Ba Lan bắt giữ giám đốc bán hàng của Huawei (người Trung Quốc) cùng một cựu quan chức cấp cao vì cáo buộc gián điệp, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo EU và NATO đưa ra quyết định chung về việc có nên cấm thiết bị cơ sở hạ tầng của Huawei hay không.

Tại sao nhiều nước lại “để mắt” đến Huawei?

Martin Thorley, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham cho biết tất cả bắt nguồn từ mối nghi ngờ Huawei có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi người sáng lập công ty, Ren Zhengfei vốn là kĩ sư trong quân đội và gia nhập Đảng Cộng sản từ năm 1978.

Nhiều người lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể gây áp lực với Huawei để buộc công ty cài đặt “backdoor” (cửa hậu) trên sản phẩm, điều này cho phép Trung Quốc có thể theo dõi lưu lượng mạng trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có rất ít bằng chứng chống lại Huawei được đưa ra. Tim Stevens, giảng viên an ninh mạng thuộc Đại học King (Anh) cho biết: “Hiện tại, tôi không biết về bất kì lỗ hổng nào được Huawei khai thác, có thể các cơ quan tình báo đang nắm giữ thông tin nhưng họ không muốn tiết lộ”.

Cho đến nay, chính phủ Anh đã không thực hiện bất kỳ động thái nào để cấm hoặc chặn công nghệ của Huawei khỏi hệ thống. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi Huawei cam kết đầu tư 3 tỉ bảng Anh vào năm 2023, hiện công ty đã làm việc với hơn 20 trường đại học ở nước này và có hai trung tâm nghiên cứu tại Anh. Huawei cũng đã kí thỏa thuận để giúp phát triển thành phố thông minh tại đây.

Alex Younger, người đứng đầu MI6, đã đặt câu hỏi liệu Anh có nên sử dụng công nghệ của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng của mình hay không. Tương tự, Jeremy Wright, ngoại trưởng Anh chia sẻ với tờ Telegraph rằng quốc gia nên “thận trọng” với Huawei.

Trong một động thái khác, đại học Oxford và Đại học Queen's Belfast cho biết họ sẽ ngừng nhận các khoản đóng góp mới và tài trợ nghiên cứu từ Huawei.

Huawei nói gì?

Huawei phủ nhận các sản phẩm của họ có thể được sử dụng để làm gián điệp. Vào ngày 15-1-2019, người sáng lập Ren đã có một cuộc phỏng vấn hiếm hoi trước giới truyền thông. “Tôi yêu đất nước của mình, tôi ủng hộ Đảng Cộng sản. Nhưng tôi sẽ không làm gì để gây hại cho thế giới, tôi không thấy mối liên hệ giữa niềm tin chính trị và Huawei”, ông nói với các phóng viên.

Ren cho biết có thể giảm quy mô kinh doanh ở những quốc gia không được chào đón, miễn là công ty có thể tồn tại và nuôi sống nhân viên của mình.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.

Đọc thêm