Cẩn trọng chiêu trò chuyển tiền nhầm trong mùa dịch

Tuy nhiên, việc tiện lợi quá mức đôi khi cũng tạo điều kiện cho tội phạm mạng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn.

tin-nhan-gia-mao-ngan-hang

Tin nhắn lừa đảo, giả mạo ngân hàng thông báo trúng thưởng. Ảnh: Pexels/MINH HOÀNG

Những thủ đoạn lừa đảo ngân hàng thường thấy

- Mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại đến với lý do hỗ trợ kiểm tra giao dịch, yêu cầu bạn cung cấp thông tin tài khoản, số CMND/CCCD, mã OTP... để hỗ trợ. Nếu người dùng làm theo các yêu cầu, ngay lập tức tài khoản ngân hàng sẽ bị mất tiền. 

- Gửi email hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng, thông báo bạn vừa nhận được một khoản tiền và yêu cầu xác nhận lại giao dịch bằng cách bấm vào đường link được gửi kèm. Tuy nhiên, nếu bạn làm theo, nhiều khả năng thiết bị sẽ dính mã độc và mất tiền. 

- Đầu tiên, kẻ gian sẽ chuyển một khoản tiền vào tài khoản của bạn với nội dung cho vay, sau đó họ sẽ gọi điện và thông báo chuyển nhầm, yêu cầu hoàn trả lại tiền (tài khoản nhận sẽ khác với tài khoản đã chuyển nhầm). Nếu làm theo, tài khoản của bạn sẽ ngay lập tức bị mất tiền. Chưa dừng lại ở đó, sau một khoảng thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ tiếp tục gọi điện yêu cầu bạn hoàn trả lại số tiền đã chuyển nhầm cùng tiền lãi vay.

Khi gặp những trường hợp chuyển nhầm tiền, bạn hãy ngay lập tức liên lạc với ngân hàng để được hỗ trợ, không làm theo các yêu cầu của kẻ gian.

- Giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế gửi email chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch hoặc thông báo tài khoản có dấu hiệu bất thường... Yêu cầu người dùng bấm vào đường link để xác nhận lại.

- Mạo danh công ty tài chính mời vay vốn, hướng dẫn người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash…) để giải ngân một khoản tiền kèm theo hợp đồng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.

- Mạo danh nhân viên công ty viễn thông yêu cầu người dùng nâng cấp SIM đang sử dụng lên SIM 4G, sau đó chiếm đoạt SIM và từng bước chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và rút tiền trong tài khoản.

tin-nhan-gia-mao-ngan-hang

Một dạng tin nhắn lừa đảo, giả mạo tên ngân hàng trong thời gian gần đây. Ảnh: MINH HOÀNG

Cần làm gì để hạn chế bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng?

- Ngân hàng không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin bảo mật gồm mật khẩu, mã OTP/Smart OTP... dưới bất kỳ hình thức nào.

- Không bấm vào các đường link lạ kể cả khi chúng được gửi đến từ người thân, bạn bè (không loại trừ trường hợp tài khoản của người đó đã bị hack).

- Không cung cấp thông tin cá nhân gồm họ tên, số tài khoản, mật khẩu, chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD) cho bất kỳ ai, dù người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng...

- Không đưa thông tin cá nhân hoặc thông tin giao dịch lên mạng xã hội, đặc biệt là những người bán hàng online. Việc này sẽ tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

- Luôn luôn kiểm tra lại tên người nhận trước khi giao dịch trực tuyến.

- Chỉ nên giao dịch tại các trang web uy tín, kiểm tra kỹ địa chỉ website ngân hàng trước khi đăng nhập.

- Thường xuyên thay đổi mật khẩu và tuyệt đối không lưu lại thông tin tài khoản/thẻ trên trình duyệt. Đồng thời đăng xuất tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.

- Đăng ký dịch vụ nhận số dư thông qua ứng dụng hoặc tin nhắn SMS.

- Sử dụng tay che bàn phím khi nhập mã PIN trong quá trình giao dịch tại ATM, POS và các thiết bị thanh toán khác.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết: “Để hạn chế bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng, người dùng không nên làm theo các yêu cầu từ người lạ, kể cả khi kẻ gian tự xưng là người của Bộ Công An hoặc các cơ quan chức năng.

Khi có nhu cầu chuyển tiền, người dùng nên truy cập trực tiếp vào trang web hoặc ứng dụng do ngân hàng phát triển, và cuối cùng là hạn chế thực hiện các giao dịch trực tuyến trên những thiết bị công cộng (máy tính tại quán cà phê, sân bay…)”.

Đọc thêm