Cẩn trọng các trang web giả mạo siêu thị điện máy

Chiêu trò giả mạo giao diện trang web ngân hàng, Facebook, siêu thị điện máy… để đánh cắp tài khoản, trục lợi từ người dùng vốn chẳng phải là mới, tuy nhiên mọi thứ ngày càng tinh vi hơn theo thời gian.

Một trang web giả mạo siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ảnh: TIỂU MINH

Đa số các trang web giả mạo đều có giao diện giống hệt trang thật, điều này đã khiến không ít người bị nhầm lẫn và mang thiết bị đến sửa chữa. Kết quả là giá sửa chữa thường cao hơn nhiều so với chỗ khác, sau khi sử dụng được một thời gian thì thiết bị lại hư hỏng và không được bảo hành.

Ngoài ra, các trang web giả mạo còn sử dụng hình ảnh của những thương hiệu uy tín, rao bán điện thoại và máy tính bảng của Apple, Samsung, HTC với mức giá khuyến mãi lên đến 50-60%... nhằm lừa đảo người dùng.

Sau khi nhận được khiếu nại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã xác minh thông tin và làm việc với doanh nghiệp đứng đằng sau trang web trungtamdientunguyenkim.com, kết quả đây không phải là trang web của Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim.

Sử dụng hình ảnh của những thương hiệu uy tín để trục lợi từ người dùng. Ảnh: TIỂU MINH

Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều trang web giả mạo các thương hiệu nổi tiếng để trục lợi, lừa đảo người tiêu dùng trong các giao dịch. Dưới đây là danh sách các trang web giả mạo:

- nguyenkim.info

- nguyenkim.net.vn

- dienmaynguyenkim.com

- dienmaynguyenkim.vn

- dienmaynguyenkim.com.vn

- dienmaynguyenkim.net

- suachuanguyenkim.com

- sieuthinguyenkim.net

- trungtammuasamnguyenkim.com

- sieuthidienmaynguyenkim.com

- nguyenkim.adn.vn

- trungtamdichvudienmaynguyenkim.net

- trungtamsuachuanguyenkim.net

- dienmaynguyenkimvn.com…

Để tránh bị thiệt hại từ việc giả mạo thương hiệu doanh nghiệp, người dùng cần lưu ý một số nội dung:

- Khi có nhu cầu sửa chữa, bảo hành thiết bị, nên tham khảo thông tin từ các nguồn tin cậy, có kiểm chứng, ví dụ, thông tin về đơn vị bảo hành, sửa chữa trên phiếu bảo hành do nhà sản xuất cung cấp; gọi điện thoại tới các Trung tâm chăm sóc khách hàng của các thương hiệu lớn để được tư vấn; gọi điện thoại trực tiếp tới siêu thị để được tư vấn…

- Khi thực hiện bảo hành, sửa chữa nên yêu cầu doanh nghiệp lập phiếu tiếp nhận bảo hành, sửa chữa, trong đó, mô tả chính xác, đầy đủ tình trạng máy tại thời điểm tiếp nhận.

- Trong trường hợp quyền lợi vị xâm phạm, người tiêu dùng có thể thực hiện phản ánh, khiếu nại tới các đơn vị liên quan để bảo vệ quyền lợi.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải cảnh giác hơn với những tin nhắn lừa đảo thông báo trúng thưởng qua SMS, Facebook, điện thoại… Có thể thấy hành vi của kẻ gian ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn, hãy nhớ một điều là tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay địa chỉ email cho người khác.

Nếu thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến, hãy để ý đến liên kết trang xem có đúng hay chưa, thường thì các trang web của ngân hàng sẽ sử dụng giao thức bảo mật HTTPS nên ở phần đầu địa chỉ sẽ có biểu tượng ổ khóa màu xanh lá, nghĩa là an toàn.

Chỉ nên thực hiện giao dịch trực tuyến tại các trang web đã được bảo mật, sử dụng giao thức HTTPS. Ảnh: TIỂU MINH

- Sử dụng giải pháp bảo mật mạnh mẽ cho máy tính, smartphone và bảo đảm rằng mọi thứ luôn được cập nhật.

- Không nên jailbreak hoặc root smartphone để tránh bị dính phần mềm độc hại.

- Thường xuyên chạy các chương trình bảo mật để quét thiết bị lây nhiễm.

- Không đăng nhập vào các trang web đáng ngờ, bạn hãy để ý kỹ địa chỉ trang web trước khi tiến hành nhập thông tin.

Nhìn chung, trên đây chỉ là một trong số nhiều vụ trục lợi từ người tiêu dùng. Tất nhiên, đằng sau đó vẫn còn khá nhiều hình thức và các trang web lừa đảo tương tự, người dùng phải thật sự tỉnh táo, tránh ham rẻ để rồi bị sập bẫy kẻ gian, đến khi mất tiền thì hối hận đã muộn.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm