4 mẹo để mua sắm an toàn hơn trong dịp Black Friday

Theo hãng bảo mật Kaspersky, số lượng các cuộc tấn công lừa đảo có chủ đích đã tăng mạnh trong dịp Black Friday và Cyber Monday. Nếu không muốn bị mất tiền oan uổng, bạn đọc có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau đây khi mua hàng trực tuyến.

1. Cập nhật hệ điều hành

Điều này nghe có vẻ vô lý, tuy nhiên phần mềm độc hại thường sẽ tấn công người dùng khi họ sử dụng các thiết bị đời cũ (không được vá lỗi) hoặc chạy hệ điều hành cũ. Do đó bạn nên tạo cho mình thói quen kiểm tra và cập nhật ứng dụng, hệ điều hành lên phiên bản mới nhất.

Việc bạn cần làm là truy cập vào Settings (cài đặt) - About phone/tablet (thông tin điện thoại) - System update (cập nhật hệ thống). Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.

“Lỗ hổng chỉ được vá khi người dùng thường xuyên cập nhật ứng dụng” - Raj Samani, nhà nghiên cứu bảo mật của McAfee, cho biết. 

2. Kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp

“Việc sử dụng mật khẩu hai lớp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, khiến kẻ gian khó chiếm đoạt được tài khoản của bạn” - David Emm, một nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky Lab, nói. 

Cách kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp trên Facebook, Google hay các ứng dụng khác sẽ không giống nhau, do đó người dùng có thể tham khảo thêm thông tin trên Internet. 

3. Không nhấp vào các liên kết lạ trong tin nhắn, email

Email, tin nhắn là một trong những phương thức thường được kẻ gian sử dụng để phát tán mã độc và đánh cắp thông tin người dùng.

Email lừa đảo thường rất dễ phát hiện bởi các lỗi chính tả, logo, tiêu đề… Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại, và đặc biệt là mã OTP (mật khẩu một lần). 

Để đảm bảo an toàn, bạn không nên nhấp vào các liên kết trong email, thay vào đó nếu muốn kiểm tra các chương trình khuyến mãi hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng, người dùng hãy gõ trực tiếp địa chỉ trang web vào trình duyệt. 

Google và Apple luôn theo dõi các ứng dụng lừa đảo, tuy nhiên một số nhà phát triển vẫn sử dụng chiêu trò để “lách luật”. Samani cho biết cách đây hai năm, công ty đã phát hiện hơn 32.000 ứng dụng giả mạo chương trình khuyến mãi của các nhà bán lẻ. 

Kaspersky đã phát hiện hàng loạt trang Amazon, Netflix… giả mạo. Cụ thể, kẻ gian sẽ cố tình sử dụng số 0 thay cho chữ “o”, hoặc một số từ ngữ gần giống nhau để đánh lừa người dùng. Ví dụ Amaz0n, thay vì chính xác phải là Amazon.

Ngoài các trang web lừa đảo và giả mạo, Kaspersky còn phát hiện số lượng trojan ngân hàng trên máy tính và điện thoại đã tăng 9%, bao gồm Zeus, Betabot, Cridex, Gozi, Anubis và Gustuff.

4. Kiểm tra giảm giá thật hay ảo

Trên các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki…, người bán hàng hoàn toàn có quyền chỉnh sửa giá sản phẩm (tăng hoặc giảm) để thu hút người mua. Tuy nhiên, không ít cửa hàng vẫn sử dụng chiêu trò tăng giá sản phẩm gấp đôi rồi ghi giảm giá khủng khiến nhiều người mua hớ mà cứ tưởng mua được hàng giảm giá thật. Làm thế nào để hạn chế tình trạng trên?

Đầu tiên, bạn hãy cài đặt tiện ích So sánh và theo dõi giá tại địa chỉ http://bit.ly/ssgia, tương thích với Google Chrome, Opera, Cốc Cốc, Yandex… và các trình duyệt sử dụng mã nguồn mở Chromium. Khi hoàn tất, biểu tượng của tiện ích sẽ xuất hiện ở góc trên bên phải.

Về cơ bản, so sánh và theo dõi giá cho phép bạn theo dõi lịch sử bán hàng, sự biến động giá tại:

- Sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee, Tiki, Adayroi, Sendo, Lotte...

- Siêu thị điện máy: Nguyễn Kim, Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, Thiên Hòa, Pico, MediaMart, HC, Samnec...

- Di động: Thế Giới Di Động, FPT Shop, VienThongA, Viettel Store, Hoàng Hà mobile, CellphoneS...

- Tin học: Phong Vũ, Tân Doanh, Thành Nhân, Hà Nội Computer, An Phát, Phúc Anh...

- Bách hóa: Co.opmart, Auchan, Bách hóa Xanh...

- Thời trang: Robins, Canifa, Juno, Vascara, Mia, Yes24...

- Mẹ và Bé: Kidsplaza, Bibomart, Concung, ShopTreTho, Tuticare...

- Sách: Fahasa, Vinabook, Phương Nam...

Khi hoàn tất, bạn chỉ cần truy cập vào các trang web bán hàng, thương mại điện tử và tìm kiếm món hàng cần mua. Kéo xuống bên dưới, người dùng sẽ thấy xuất hiện một biểu đồ hiển thị lịch sử giá (tăng/giảm) của nhiều cửa hàng theo từng màu sắc khác nhau.

Về cơ bản, tính năng này khá hữu ích, cho phép bạn nắm bắt giá của sản phẩm theo từng mốc thời gian, đây là dữ liệu quan trọng để người dùng có thể đưa ra quyết định mua hàng và tiết kiệm được nhiều nhất. Thêm vào đó, bạn còn biết được cửa hàng đó có dùng chiêu trò khuyến mãi ảo, giảm giá ảo hay không.

Đọc thêm