Kính thông minh thiệt là 'dễ sợ'

Có lẽ cho tới nay, “đệ nhất thiên hạ” trong làng kính thông minh (smart glasses) là chiếc Google Glass. Nó là một sự kết hợp giữa công nghệ đỉnh cao và thời trang cao cấp. Bên cạnh đó là chiêu thức bán hàng siêu đẳng của một “đại sư phụ kinh doanh mạng” như Google đã làm cho cái thiết bị thông minh có thể đeo được này thêm lung linh huyền hoặc.

Máy quay phim thế hệ mới

Xuất phát từ dự án Projet Glass của Google Labs do hãng Foxconn (Đài Loan) gia công sản xuất, phiên bản nguyên gốc của Google Glass được cho xuất đầu lộ diện với giới phát triển ứng dụng (developer) ở Mỹ hồi tháng 4-2013. Từ tháng 5-2014, nó mới được bán ra công chúng ở Mỹ cũng với giá 1.500 USD. Ngay chính cái giá “cao ngất Trường Sơn” và “trước sau như một” đã tạo cho nó một cái vòng đẳng cấp. Vào đầu năm 2015, giá một chiếc Google Glass gọng nguyên thủy vẫn là 1.500 USD. Nếu xài gọng của các thương hiệu thời trang kính thì giá còn cao hơn nữa.

Google Glass có thể làm được nhiều thứ, giống một thiết bị di động đeo trên mắt. Nếu như người dùng bình thường dùng Google Glass làm thiết bị dẫn đường, truy xuất thông tin, ghi hình trong những chuyến du lịch,… dân chuyên nghiệp ứng dụng chiếc kính thần kỳ này trong nhiều tác vụ chuyên môn của mình.

Các nhân viên an ninh, đặc biệt là những người đang làm công tác bảo vệ những sự kiện lớn được trợ giúp hữu hiệu với kính Google Glass. Tại một số sở cảnh sát ở Mỹ, cảnh sát tuần tra, cảnh sát giao thông và điều tra hình sự được trang bị kính Google Glass. Những binh sĩ đặc nhiệm hay rà phá bom mìn cũng đã thử nghiệm dùng kính Google Glass trong công việc nguy hiểm của mình. Còn những tiếp viên hàng không dùng Google Glass để biết thêm thông tin về những hành khách mà mình phục vụ.

Chiếc kính thông minh sẽ kèm theo hàng loạt hiểm họa mới. Ảnh: INTERNET

Lợi bất cập hại

Nhưng mặt trái là chính bởi khả năng siêu hạng của mình mà chiếc kính thông minh đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của những mối quan ngại về an ninh, bảo mật và quyền tự do riêng tư.

Marc Rotenberg, Giám đốc Trung tâm Thông tin riêng tư điện tử (EPIC), nói rằng các loại kính thông minh gây quan ngại nếu như được đeo trong các môi trường có nhiều thông tin nhạy cảm. Chẳng hạn, một bác sĩ đeo kính này đi ra ngoài đường, hễ nhìn thấy ai từng đi chữa trị ở bệnh viện của mình là những thông tin bệnh tật của người đó có thể hiện ra rõ mồn một. Đó là lý do mà Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess ở Boston (bang Massachusetts) chỉ cho hiển thị các thông tin người bệnh thông qua những mã QR mà kính Google Glass có thể truy xuất tại chỗ.

Cách đây gần hai năm, khi hãng Google bắt đầu thử nghiệm kính Glass, báo Mỹ Huffington Post (17-10-2013) đã cho đăng một bài với tít “Người ta chưa nhìn thấy được những vấn đề luật pháp đang ở phía trước chiếc kính Google Glass”. Bài báo kết luận rằng từ nay chúng ta phải luôn cẩn trọng với từng lời nói, việc làm vì Google Glass đang dòm ngó mình.

Chẳng bao lâu sau một số quán bar, vũ trường, nhà hàng ở Mỹ đã trưng biển cấm khách đeo Google Glass vào nơi làm ăn của mình. Các sòng bạc xua đuổi kính này như đuổi tà. Các rạp chiếu phim cũng cấm Google Glass, đặc biệt trong thời gian chiếu ra mắt những bộ phim mới để ngăn ngừa nguy cơ bị ăn cắp phim. Những ngôi sao - người của công chúng rất sợ những scandal lộ chuyện này, bày món kia hoàn toàn phải dè chừng, mất ăn mất ngủ với loại kính này. Dân săn ảnh lén paparazzi giờ đây có thêm một công cụ tuyệt hảo để hành nghề.

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) lâu nay liên tục bị phê phán xâm phạm đời tư cá nhân vì những hoạt động nghe lén điện thoại và đọc lén email của công dân bị phanh phui. Nay thì chuyện đó chẳng thấm vào đâu so với những gì mà Google Glass có thể làm.

Quả thật không thể dễ ngươi, mất cảnh giác với những chiếc kính thông minh. Chúng nguy hiểm hơn bội lần so với những loại camera trinh thám trước đây. Tất nhiên, chúng chỉ là những công cụ hiện đại, việc chúng bị dùng cho những mục đích gì là tùy thuộc người sử dụng. Điều đáng để lo là khả năng của những chiếc kính dòm ngó này ngày càng siêu đẳng và có sẵn để người ta có thể “tò mò tọc mạch”. Thôi thì hồn ai nấy giữ vậy!

Một chiếc máy tính đeo mắt

Kính thông minh thật ra là một camera di động có tính năng kết nối Internet và tích hợp những phần mềm ứng dụng. Thậm chí có thể gọi nó là một chiếc máy tính tí hon. Chẳng hạn, chiếc kính Google Glass có CPU SoC hai nhân, bộ nhớ RAM 2 GB, bộ nhớ lưu trữ 16 GB, chạy hệ điều hành Android 4.4, camera 5 MP, kết nối Wi-Fi, Bluetooth,…

Đọc thêm