Kẻ trộm mới trên kho ứng dụng

Thậm chí ngày càng nhiều những ứng dụng gắn mác miễn phí nhưng âm thầm thu tiền một cách trái phép. Theo các chuyên gia an ninh mạng, các chiêu ăn cắp mới này ngày càng biến tướng khó lường.

Dùng thủ thuật để ăn cắp tiền

Nếu là một tín đồ của smartphone, bạn hẳn nhiều lần vào kho ứng dụng để tải các phần mềm miễn phí về để “vọc” làm phong phú nội dung trên chú “dế” của mình. Có khi là một ứng dụng đọc truyện, thời tiết hay chỉnh sửa ảnh, thậm chí là một trò chơi nhỏ. Tuy nhiên, nếu không để ý, vô tình một ngày bạn sẽ trở thành đối tượng bị ăn cắp tiền một cách trắng trợn.

Hiện một số thành viên trên các diễn đàn công nghệ đang chia sẻ tình trạng khi cài ứng dụng xong đột nhiên bị mất 15.000 đồng trong tài khoản. Việc này xảy ra đa số với hệ điều hành Android, khi tải một ứng dụng về cài đặt, người dùng nhận được một thông báo của đầu số dịch vụ thông báo đã cài đặt thành công, lúc này người dùng đã mất 15.000 đồng mà không hay.

“Nhiều người đã cảnh báo rằng họ bị trừ tiền một cách thầm lặng và cũng không biết vì sao bị trừ tiền sau khi cài những phần mềm dạng này. Tình trạng chung là có một tin nhắn trả về thông báo rằng: “Chúc mừng bạn đã đăng ký dịch vụ thành công, khi đó 15.000 đồng đã bốc hơi khỏi tài khoản trong khi bạn không đăng ký dịch vụ nào cả. Chưa dừng ở đó, người dùng còn bị spam rất nhiều với các tin nhắn quảng cáo, đơn giản vì số điện thoại của bạn đã được thu thập và phát tán” - một thành viên Diễn đàn công nghệ Tinh Tế chia sẻ.

 
Một số ứng dụng được ghi là miễn phí nhưng thực chất không phải như vậy.

Bên cạnh việc trừ tiền thuê bao một cách âm thầm, nhiều đơn vị viết ứng dụng còn dùng cách lách luật khá tinh vi. Đơn cử trường hợp người dùng lò mò trên chợ ứng dụng, thấy phần mềm đọc truyện mình yêu thích đang “free” thế là nhanh chóng download nhưng không hề đọc kỹ phần chú thích. “Phần mềm đọc truyện thường hay chơi chiêu bằng cách cho bạn coi free một phần nhưng tải hết cả truyện sẽ tính phí 15.000 đồng, do không để ý nhiều người hay bị mất tiền oan vì cứ nghĩ nó miễn phí” - một nạn nhân của chiêu trò này chia sẻ.

Cách tự bảo vệ túi tiền của mình

Anh Vũ Hải, admin Diễn đàn Tinh Tế, cho biết ứng dụng ăn cắp tiền đang biến tướng một cách đa dạng, khó lường hơn để biến người dùng thành nạn nhân. Cách tốt nhất để ngăn chặn điều này là người dùng phải tìm hiểu kỹ, hạn chế dùng app không rõ ràng và tốt nhất là ngăn chặn bằng các phần mềm diệt virus cho điện thoại.

“Nguyên do của tình trạng trên cũng là do người dùng Việt Nam chưa có ý thức nhiều về vấn đề bản quyền, thích dùng các ứng dụng miễn phí. Ngay cả khi cài phần mềm diệt virus cũng dùng các loại miễn phí đầy rẫy trên kho ứng dụng, điều này là không nên” - anh Chiêu, admin Diễn đàn GSM, phân tích.

Chính vì vậy những người dùng ít hiểu biết về công nghệ, người dùng bình thường sẽ dễ dính bẫy ăn trộm tiền hơn. Ngoài ra anh Chiêu cũng chia sẻ đa phần phần mềm độc hại này đều của Việt Nam, nước ngoài họ làm rất chặt chẽ khi luôn phân tách rõ ràng: Nếu có thu tiền dịch vụ thì chắc chắn có thông báo cho người dùng biết.

Một chuyên gia công nghệ cho rằng các đầu số dịch vụ ăn tiền có liên kết với nhà mạng và các nhà mạng có thể biết chuyện này và vấn đề là họ có muốn siết chặt, xử lý hay không. Lời khuyên dành cho người dùng là luôn luôn đọc kỹ tất cả điều khoản liên quan trước khi tải một phần mềm nào đó về máy, nếu phát hiện có bất thường hãy tẩy chay ngay các loại ứng dụng này, đồng thời cảnh báo cho mọi người biết.

PHAN SAN

Theo báo cáo của hãng bảo mật Kaspersky Lab, Việt Nam dần trở thành mục tiêu tấn công của mã độc trên thiết bị di động. Nguyên nhân chủ yếu là do người dùng xài lậu các ứng dụng/game miễn phí được chia sẻ đầy rẫy trên mạng. Khi thiết bị di động bị dính mã độc, chúng thường bị điều khiển gửi tin nhắn vào các đầu số viễn thông định trước có mức thu phí cao trên mỗi tin nhắn. Việt Nam với các quốc gia Nga, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia Đông Âu bị dính nhiều mã độc trên di động có chức năng nhắn tin SMS đến tổng đài nước ngoài thu phí 2 USD/tin nhắn.

Đọc thêm