Hàng công nghệ cao “không có đất dụng võ”

Giới đam mê công nghệ tranh nhau mua sắm những dòng smartphone hay tablet cao cấp, thế nhưng thực tế các ứng dụng cao cấp của các sản phẩm này rất ít khi được sử dụng. Trong khi đó cấu hình sản phẩm quá cao đôi khi còn trở thành gánh nặng cho thiết bị, rõ nhất là việc hao pin.

Công nghệ hỗ trợ lùi

Những tháng đầu năm 2014, thiết bị di động đa lõi (lõi kép, lõi tứ, lõi tám) xuất hiện khá dày và tăng tốc chóng mặt. Từ Nvidia, Texas Instruments, Qualcomm, MediaTek và Samsung đều đã có những sản phẩm đa lõi tấn công mạnh vào thị trường. Tuy nhiên, thực tế những sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam hầu như chỉ sử dụng được các thao tác cơ bản.

Cụ thể, với các dòng chip lõi tứ, hỗ trợ 4G trong khi hạ tầng viễn thông tại Việt Nam không đáp ứng đủ, mang đến sự lãng phí khá nhiều cho người tiêu dùng. Về giải trí nghe nhìn, trong khi nội dung 4K quá ít thì các hãng lại thi nhau ra mắt các dòng sản phẩm công nghệ này, người tiêu dùng dù muốn dù không vẫn phải mua dù chỉ để xem nội dung HD.

Người tiêu dùng dù muốn dù không cũng khó mặn mà cho một sản phẩm giá “trên trời” trong khi nội dung chưa đáp ứng được. Hoặc thậm chí phải mua những công nghệ khi mà chưa hiện hữu tại Việt Nam. Đó là nguyên do vì sao dù phát triển công nghệ mới, nhiều hãng vẫn duy trì việc hỗ trợ những công nghệ trước đó cũng như hỗ trợ những chuẩn cũ vì nhu cầu quá lớn từ phía người dùng phổ thông. Sự đan xen của công nghệ mới, công nghệ cũ lại tiếp tục mang đến một sự lãng phí lớn hơn cho cả công nghệ và người dùng.

 
Smartphone cấu hình mạnh tranh nhau xuất hiện, người dùng bị cuốn vào “ma trận” công nghệ. Ảnh: NV

Nên mua sản phẩm vừa tầm

Trong bối cảnh thị trường luôn tràn ngập sản phẩm công nghệ mới, người dùng như trong ma trận thông tin. Mảng điện thoại di động, các tác vụ thông thường như email, tin tức, hình ảnh, giải trí, hầu hết chip đơn lõi và chip thường đều hỗ trợ tốt. Thế hệ chip sau chỉ để nâng cấp trải nghiệm người dùng nhưng nhu cầu là không cao và không thường xuyên.

Đường đua công nghệ mới sẽ vẫn tiếp diễn cho nhu cầu người dùng cao cấp. Ở đó chip đơn lõi không thể đáp ứng được, chip đa lõi sẽ trở thành xu hướng. Thế nên việc chấp nhận đơn lõi hay đa lõi là do chính nhu cầu người dùng.

Bản thân công nghệ không có rào cản nhưng có cần thiết hay không khi mà chúng ta đang sở hữu những thiết bị công nghệ không sử dụng được với giá “trên trời” cho sự chạy đua từ các hãng? Việc lựa chọn một công nghệ hợp nhu cầu phụ thuộc vào quyết định mua thiết bị chỉ để trải nghiệm hay sử dụng.

MINH ĐỊNH

 

Lãng phí cả đường truyền

Không chỉ lãng phí về tính năng, giá cả, việc sử dụng cũng đã gây lãng phí cho cả đơn vị cung cấp dịch vụ. Cụ thể, với đường truyền mạng 3G. Nếu như năm 2010, mạng 3G khai trương với tốc độ tối đa 7,2 Mbps, tốc độ chip hỗ trợ 3G lúc này chỉ là 384 Kbps. Năm 2014, tốc độ 3G được tăng cường lên 21,6 Mbps, lúc này tốc độ chip đa lõi đã cho tốc độ từ 42 Mbps đến 57.6 Mbps, việc không tương thích vừa gây lãng phí cho đường truyền khi thừa khi thiếu và cả thiết bị.

Trao đổi với người viết, ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết dù các chip Qualcomm đều hỗ trợ đa băng tần nhưng việc đầu tư thích hợp hạ tầng mạng cũng đặt ra vấn đề tương thích với các sản phẩm nhằm tránh hao tổn tài nguyên. Đây cũng là vấn đề kinh doanh của các nhà mạng khi mang dịch vụ tới người dùng. “Việc tối ưu hóa mạng lưới là điều cần thiết trong việc mang dịch vụ 3G tương đồng với thiết bị, đó cũng được xem là một cam kết vì một chất lượng 3G tới người tiêu dùng nhằm tránh hiện tượng không tương thích về tốc độ ở sản phẩm và cả hạ tầng mạng” - ông Nam nhấn mạnh thêm.

Đọc thêm