Đừng bấm “xem video” trên Facebook Messenger, có virus

Tin nhắn kèm liên kết video có ảnh đại diện của người nhận - Ảnh: Facebook Anton Dat
Tin nhắn kèm liên kết video có ảnh đại diện của người nhận - Ảnh: Facebook Anton Dat

Ngày 18-8, một số tài khoản người dùng Facebook tại Việt Nam cùng cảnh báo nhau về loại virus mới phát tán qua tin nhắn trong ứng dụng chat Facebook Messenger hoặc qua tin nhắn cá nhân trong Facebook.

Nội dung tin nhắn gồm một liên kết mời xem video với thông điệp "Đây có phải là video thuộc về bạn? Vui đấy!" (This video belong to you? That's funny). Bên cạnh đó, nhằm qua mặt người dùng, virus tự động lấy ảnh đại diện (avatar) Facebook của họ làm ảnh minh họa cho video.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia an ninh mạng Ban công nghệ FPT, cho biết: "Khi bạn bè Facebook gửi cho bạn một liên kết (link) để xem video như trong, đồng nghĩa họ đã bị nhiễm virus.

Khi click vào, bạn sẽ bị chuyển sang một trang video có giao diện rất giống Facebook. Kế đến, sẽ bị đề nghị cài thêm một plugin cho trình duyệt để xem được video".

Lừa đảo và phát tán mã độc bằng các video giật gân gây tò mò không phải mới trên mạng xã hội 1,2 tỉ người dùng, tuy nhiên, hình thức nhắn vào hộp thư tin nhắn riêng tư kèm video mang ảnh cá nhân dễ đánh lừa người dùng mất cảnh giác. 

Khi click vào video thì gần như người dùng đã biến mình thành nạn nhân của tội phạm mạng. Tải plugin "để xem được video" về máy đồng nghĩa rước mã độc vào nhà.

Trang giả mạo Facebook lừa tải thêm plugin để xem video, thực chất là tải mã độc - Ảnh: Facebook Nguyễn Minh Đức
Trang giả mạo Facebook lừa tải thêm plugin để xem video, thực chất là tải mã độc - Ảnh: Facebook Nguyễn Minh Đức

"Có vẻ nhiều người sử dụng ở Việt Nam đã bị lừa", ông Đức cho biết.

Theo quan sát, một loạt chia sẻ sáng 18-8 từ cộng đồng người dùng Facebook tại VN cho thấy, nhiều người đã bị lây nhiễm, một số khác đăng ảnh chụp tin nhắn để cảnh báo hoặc thắc mắc xem có phải virus hay không.

Vừa qua, tội phạm mạng cũng lợi dụng cái chết của diễn viên hài Robin William để phát tán mã độc trên Facebook. Đánh vào tâm lý tò mò, kẻ xấu đưa hình ảnh minh họa vụ thắt cổ tự vẫn với tiêu đề "video bằng chứng vụ tự vẫn của Robin William", và còn dẫn nguồn từ bản tin nóng CNN.

Trong hầu hết trường hợp, các nạn nhân đã click vào liên kết chia sẻ bị lây nhiễm sẽ tự động chia sẻ tiếp đến bạn bè trong danh bạ Facebook. Do đó, người dùng cần cảnh giác với những tin nhắn, liên kết chia sẻ đáng nghi từ chính những người quen trên mạng xã hội.

Theo PHONG VÂN/TTO


Đọc thêm