Điện thoại xịn giá ảo

Có khi nào bạn nghĩ tới cảnh mình ôm trên dưới 20 triệu đồng đi mua một chiếc smartphone high-end đỉnh trong khi nhà sản xuất và nhà phân phối cười toe toét vì lời quá khẳm không? Có thể nói rằng ở thời này chẳng có món hàng điện tử nào có thể bán chạy như tôm tươi và lợi nhuận cao như mặt hàng smartphone.

“Bán một lời mười”

Tất nhiên, điện thoại càng xịn, càng thời trang, càng thời thượng thì giá càng cao. Nghiệt cho người dùng cuối ở chỗ cái giá của nó gọi là ảo cũng đúng, mà là giá hợp lý cũng chẳng sai (bởi người bán, người mua có cái lý của mình đối với giá cao). Cái giá cao ngất Trường Sơn đó phản ánh một phần nhỏ như con thỏ cho chi phí sản xuất và một phần to đùng cho cái đẳng cấp. Phần lớn người tiêu dùng ở phân khúc cao cấp (dân đẳng cấp đó mà) lại không thích mua hàng giá rẻ. Hình như với họ, giá càng cao càng nâng tầm đẳng cấp của mình lên.

Người mua có thể bị hớ giá chứ người bán chẳng bao giờ lầm giá. Cái giá bị coi là ảo của những chiếc smartphone cao cấp được hình thành bởi giá thành khi xuất xưởng của nhà sản xuất + chi phí bán hàng và tiếp thị + lợi nhuận của nhà phân phối và người bán hàng. Như vậy càng lòng vòng, càng qua nhiều cấp thì giá đến tay người dùng cuối càng bị đội lên. Nghiệt ngã là cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều có thể “làm giá” cho một sản phẩm khiến người tiêu dùng phải chịu một cổ tới ít nhất là hai tròng.

Chẳng hạn như tạp chí kinh doanh Fortune nổi tiếng của Mỹ hồi tháng 9-2016 dẫn số liệu của hãng nghiên cứu HIS Markit, ước tính tổng cộng hóa đơn vật liệu (bill of materials - BOM) của một chiếc iPhone 7 là 219,80 USD. Tổng cộng chi phí sản xuất của một chiếc iPhone 7 cấu hình chuẩn (bộ nhớ lưu trữ 32 GB) là 224,8 USD.

Những chiếc iPhone thực tế có giá thấp hơn nhiều so với giá bán. Ảnh: INTERNET

Và hồi đầu tháng 9-2016, Apple đã bán ra chiếc iPhone 7 phiên bản 32 GB này với giá chính hãng 649 USD, chênh lệch 424 USD so với giá sản xuất được ước tính.

Thôi thì dù sao Apple cũng ở thế độc quyền, một mình một chợ, còn Samsung trong thị trường Android cạnh tranh khốc liệt với hằng hà sa số đấu sĩ thì sao?

Chiếc smartphone flagship Galaxy S7 được Samsung giới thiệu hồi tháng 2-1016. Báo Tech Times hồi tháng 3-2016 dẫn số liệu của hãng nghiên cứu IHS Technology ước tính hóa đơn vật liệu BOM của một chiếc Galaxy S7 là 255 USD (rẻ hơn 1 USD so với Galaxy S5 trước đó hai năm). Và Samsung đã bán ra chiếc S7 với giá 669 USD (chênh lệch 414 USD so với chi phí BOM).

Nhưng cũng phải nói lại

Tất nhiên nói cho công bằng, sự so sánh này chỉ mang tính tham khảo. Bởi nhà sản xuất chẳng bao giờ tiết lộ giá thành thật sự và cái chi phí sản xuất ước tính của bên thứ ba chỉ mang tính cơ học. Ai cũng biết giá bán của một sản phẩm bao gồm vô số chi phí như chi phí vật liệu, chi phí sản xuất toàn bộ tới khi ra thành phẩm đóng gói, các chi phí nghiên cứu - phát triển, chi phí hoạt động của công ty; cộng với lợi nhuận của nhà sản xuất, giá trị thương hiệu, lợi nhuận của nhà phân phối, chi phí tiếp thị. Chính các khoản lợi nhuận, giá trị thương hiệu và chi phí tiếp thị lung linh mờ ảo làm ra cái giá bán ảo ít hay ảo nhiều.

Các smartphone cao cấp đòi hỏi những chương trình, chiêu trò quảng cáo hoành tráng cho tương xứng với đẳng cấp của chúng. Các hãng cũng nhân dịp này mà làm thương hiệu cho mình bởi chi phí tiếp thị đã được khách hàng chịu rồi!

Khi nhập hàng về Việt Nam, nhà phân phối đã được nhà sản xuất cho hưởng phần lợi nhuận, có khi thêm những khoản chi khác rồi. Về đến Việt Nam, các khoản thuế, chi phí vận chuyển và đặc biệt là chi phí tiếp thị đã xúm lại đội giá sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng. Chẳng hạn, giá iPhone 7 ở Mỹ là 649 USD (tương đương 14,5 triệu đồng), còn giá chính hãng ở Việt Nam là 18,8 triệu đồng.

Điện thoại càng xịn thì giá càng ảo hơn. Đơn giản bởi “ta xịn thì ta có quyền”.

Chi phí marketing cũng là một gánh nặng

Giữa cơn nóng tiếp thị hoành tráng của Samsung Galaxy Note7, khi không chỉ nhà sản xuất mà các nhà phân phối lớn cũng lần đầu tiên tổ chức những sự kiện quảng bá riêng cho sản phẩm này. Không tính những chương trình mở bán tốn nhiều tỉ đồng, các nhà phân phối lớn đã chi hơn 60 tỉ đồng cho quà tặng khuyến mãi dành cho khách đặt hàng trước sản phẩm Note7. Với lợi nhuận chung dành cho nhà phân phối khoảng 15% giá bán, mỗi nhà phân phối phải bán từ 6.000 sản phẩm trở lên mới thu hồi được chi phí khuyến mãi - mà các sản phẩm high-end (ngoại trừ iPhone do định vị thị trường) thường không bán được với số lượng lớn, chủ yếu để làm thương hiệu là chính.

Đọc thêm