Dịch giả Nguyễn Khoa Hồng Thành: Hiểu đúng Marketing 5.0 để không chậm nhịp

Cuốn sách “Tiếp thị 5.0: Công nghệ vị nhân sinh” là cập nhật mới nhất trong công trình nghiên cứu của tiến sĩ Philip Kotler, chuyên gia rất nổi tiếng về tiếp thị quốc tế, cha đẻ của tiếp thị hiện đại. Trong quyển sách này, Tiến sĩ Kotler cùng Hermawan Kartajaya và Iwan Setiawan đã tích hợp những xu hướng chủ đạo mà các nhà tiếp thị hiện đang phải đối mặt: những tiến bộ công nghệ mạnh mẽ, những thay đổi trong hành vi khách hàng và những dịch chuyển trong các mô hình kinh doanh được chấp nhận.

Tác phẩm thú vị dành cho giới kinh doanh công nghệ.

Cuốn sách này cũng cho người đọc mở ra một khái niệm khá mới trong thị trường tiếp thị hiện nay là Marketing 5.0 hay còn gọi là tiếp thị 5.0. Để hiểu thêm về khái niệm này, PLO đã có cuộc trao đổi với dịch giả Nguyễn Khoa Hồng Thành để nắm rõ thêm về khái niệm trên.

PV: Với cuốn sách mới nhất của tiến sĩ Philip Kotler, anh đánh gía ra sao về mức độ am hiểu của vị tiến sĩ này?

Cá nhân tôi vốn là một người ngoại đạo với marketing nên những quyển sách của Philip Kotller đều đóng vai trò mở mang kiến thức cho bản thân mình. Chính vì vậy cá nhân tôi rất khâm phục khả năng khái quát hóa các xu hướng thị trường và công nghệ vào quyển sách nhỏ bé này của ông và các cộng sự. Nó giúp chúng ta có một góc nhìn bao quát hơn và dễ dàng tiếp cận hơn với dòng chảy của thế giới không chỉ về lĩnh vực marketing mà còn về lĩnh vực kinh doanh nói chung.

PV: Vậy “Marketing 5.0” trong cuốn sách này nên hiểu ra sao và đây có phải là sự nâng cấp của marketing 4.0 hay không, thưa anh?

“Marketing 5.0" ở đây là sự chú trọng vào việc ứng dụng các công nghệ bắt chước con người để sáng tạo, giao tiếp, truyền tải và nâng cao giá trị trong suốt hành trình của khách hàng.

Bên cạnh đó, "Marketing 5.0" là sự tổng hòa giữa yếu tố lấy con người làm trung tâm của "Marketing 3.0" và ứng dụng công nghệ của "Marketing 4.0", vì vậy các tác giả đặt tên cho nó là "công nghệ vị nhân sinh".

.Cụm từ “vị nhân sinh” đang khiến độc giả như tôi nghĩ đến dường như  Marketing 5.0 đang kêu gọi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hay đó là xu thế chung mà các doanh nghiệp buộc phải hướng đến, thưa anh?

Thật ra cụm từ "vị nhân sinh" trong Marketing 5.0 không có ý kêu gọi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như Marketing 3.0 mà chủ yếu nói về cách ứng dụng công nghệ để phục vụ con người với khái niệm lớn hơn khách hàng.

Như bạn biết, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng hiện nay không còn chỉ đơn thuần là giao dịch mua và bán mà còn là sự trải nghiệm xuyên suốt hành trình từ khi nhận biết, quan tâm về thương hiệu cho đến việc mua, sử dụng và ủng hộ thương hiệu.

Trong suốt hành trình đó, việc ứng dụng công nghệ một cách khéo léo và thông minh sẽ giúp tăng giá trị chung cho cả thương hiệu lẫn khách hàng. Các cách ứng dụng và ví dụ cụ thể đều được nêu trong quyển sách mà mọi người có thể tham khảo thêm.

.Anh đánh giá ra sao về mức độ ứng dụng Marketing 5.0 tại Việt Nam?

Ứng dụng của Marketing 5.0 cũng khá đa dạng. Hiện tại chúng ta cũng đã thấy có một số doanh nghiệp đã ứng dụng phân tích dữ liệu, tiếp thị dự đoán vào công việc kinh doanh và tiếp thị nhưng số lượng vẫn còn khá khiêm tốn. Những đơn vị ứng dụng Marketing 5.0 chủ yếu là ở các doanh nghiệp thương mại điện tử hoặc có nền tảng công nghệ tốt. Phần lớn vẫn còn loay hoay chuyển đổi ở giai đoạn Marketing 4.0 mà vẫn chưa thành công.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng, tư duy và vận hành doah nghiệp. Tôi nghĩ đó chính là chất xúc tác để đẩy nhanh việc ứng dụng của Marketing 5.0 tại Việt Nam. Đơn cử như chúng ta có thể thấy sự chuyển dịch sang kênh thương mại điện tử rất rõ nét trong việc ứng dụng Marketing 5.0.

Và khi chúng ta bước vào giai đoạn mới "sống chung với dịch", việc ứng dụng công nghệ để hạn chế tiếp xúc của nhân viên tuyến đầu trong các ngành bán lẻ và dịch vụ sẽ là lợi thế đối với các doanh nghiệp biết cách nắm bắt cơ hội.

Cám ơn anh về cuộc trao đổi này.

Đọc thêm