Cách phòng chống bụi mịn bằng giải pháp công nghệ

Vấn đề ô nhiễm đã tồn tại ở các thành phố lớn từ rất lâu nhưng đa số người dân ít ý thức được sự nguy hiểm của các yếu tố ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Bụi mịn PM2.5 là vật chất dạng hạt trôi nổi trong không khí với đường kính bằng 2.5 micromet hoặc nhỏ hơn (mắt thường không thể nhìn thấy). Bụi mịn có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng 1/30 sợi tóc nên nó dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua đường thở. 

Bụi mịn thường dễ bị nhầm lẫn là sương mù. Ảnh: TIỂU MINH

Ảnh hưởng ngắn hạn do bụi mịn gây ra có thể kể đến như kích ứng mắt, họng và mũi; nhịp tim không bình thường; hen suyễn; ho, đau ngực, đau họng và khó thở. Nếu hít phải bụi mịn trong thời gian dài, bạn có thể mắc các bệnh về đường hô hấp; tổn thương mô phổi; ung thư; đau tim; đột quỵ; tử vong sớm.

Bụi mịn PM2.5 được sinh ra từ khí thải của các phương tiện và động cơ đốt trong, quá trình đốt từ các nhà máy nhiệt điện, khói khi cháy rừng, đốt chất thải,… 

Theo báo cáo “Chất lượng không khí toàn cầu 2018” do IQAir AirVisual hợp tác với Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) Đông Nam Á vừa công bố, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, sau Jakarta (Indonesia). Nguyên nhân là thời tiết kết hợp ô nhiễm do khói bụi giao thông, phá dỡ công trình xây dựng.

Số liệu thống kê của Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), từ 2007-2017, chỉ số bụi đều vượt mức cho phép ở toàn bộ các trạm quan trắc. Đơn cử như chỉ số bụi ở trạm An Sương luôn vượt mức cho phép 5-8 lần, trạm Cát Lái vượt mức cho phép 9 lần,… 

Chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Để kiểm tra chất lượng không khí bằng smartphone, bạn hãy cài đặt phần mềm AirVisual trên Google Play hoặc App Store, sau đó cấp quyền cho phép ứng dụng truy cập vị trí trên thiết bị.

Kiểm tra chất lượng không khí tại các khu vực trên cả nước. Ảnh: TIỂU MINH

Giao diện của chương trình khá đơn giản với các mục như Không khí của tôi, Bản đồ, Tin tức và Xếp hạng. Tại đây, người dùng có thể theo dõi AQI (chỉ số chất lượng không khí) theo từng mốc thời gian hoặc các ngày trong tuần. Thang đo chỉ số sẽ dao động từ 0-500, dưới mức 150 được coi là an toàn cho người bình thường, nếu hơn, người dùng cần phải trang bị khẩu trang chuyên dụng để lọc bụi mịn trước khi ra đường.

Màu xanh lá tương ứng với chỉ số chất lượng không khí từ mức 0-50 (an toàn), màu vàng (51-100) là bình thường, màu cam (101-150) là không tốt cho nhóm người nhạy cảm, khi cảnh báo hiển thị màu đỏ (151-200), người dùng nên hạn chế ra đường để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe,…

Nhận thông báo khi chất lượng không khí giảm xuống. Ảnh: TIỂU MINH

Chuyển qua các mục Bản đồ, Tin tức & Xếp hạng, bạn đọc có thể biết được chất lượng không khí của những khu vực, thành phố xung quanh và bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất hiện nay, từ đó hạn chế đi du lịch tại những địa điểm đó.

Nếu muốn nhận cảnh báo khi chất lượng không khí giảm xuống, bạn chỉ cần đăng ký tài khoản và lựa chọn địa điểm cần theo dõi.

Phòng chống bụi mịn PM2.5 như thế nào? 

Khẩu trang y tế và khẩu trang vải thông thường không thể bảo vệ bạn khỏi bụi mịn, do đó, người dùng cần phải sử dụng các loại khẩu trang chuyên dụng như 3M, Xiaomi Purely (có quạt lọc không khí) hay những dòng khẩu trang của Naroo Mask dòng F (F.U, F5, F5S,…) có thể giặt lại.

Lựa chọn các loại khẩu trang chuyên dụng có khả năng ngăn chặn bụi mịn. Ảnh: TIỂU MINH

Lưu ý, khẩu trang 3M chỉ sử dụng một lần (giá rẻ), khẩu trang của Xiaomi khi xài dơ bạn phải mua miếng lót mới với giá khoảng 40.000 đồng, trong khi đó với các dòng khẩu trang của Naroo Mask (giá cao), người dùng có thể giặt lại để tái sử dụng mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên trang bị thêm máy lọc không khí tại nhà để cải thiện chất lượng không khí, giá cả những dòng máy lọc hiện tại tương đối rẻ, dao động trong khoảng 2-4 triệu tùy từng thương hiệu và chức năng đi kèm.

Máy lọc không khí là giải pháp bảo vệ bạn khi ở nhà. 

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

5 mẹo sử dụng máy lạnh siêu tiết kiệm
5 mẹo sử dụng máy lạnh siêu tiết kiệm
(PLO) - Mùa hè oi bức đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bật máy lạnh nhiều hơn, tất nhiên, hóa đơn tiền điện theo đó cũng sẽ tăng cao. Làm thế nào để sử dụng máy lạnh tiết kiệm nhưng vẫn mát mẻ?

Đọc thêm