8 mẹo giúp bạn an toàn hơn khi học trực tuyến trong mùa dịch

1. Không cung cấp thông tin cá nhân

Điều này bao gồm tên, trường học, số điện thoại, địa chỉ, ảnh, số thẻ tín dụng hoặc thông tin về bản thân (cũng như thông tin về gia đình, bạn bè…). Kẻ gian thường tạo ra các cuộc thi trực tuyến hoặc những sự kiện tặng quà miễn phí để lừa bạn tiết lộ thông tin cá nhân, vì vậy hãy thận trọng.

2. Không nên gặp người lạ khi chỉ vừa quen biết qua mạng

Nếu bạn là một thiếu niên, hãy cho cha mẹ biết khi có ai đó trên Internet đang có ý định gặp mặt bạn ngoài đời.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên cẩn thận với những món quà được gửi từ người lạ. Thông thường kẻ gian sẽ yêu cầu bạn trả tiền vận chuyển (có thể là vài trăm ngàn, vài triệu đồng…) để nhận món quà được gửi về từ nước ngoài. Hình thức này vốn không phải là mới nhưng vẫn còn khá nhiều người bị lừa. 

3. Cẩn thận với bắt nạt trực tuyến

Vấn đề bắt nạt cũng xảy ra khi học trực tuyến. Nếu bạn bị các học sinh khác bắt nạt khi học trực tuyến hoặc nhận được tin nhắn lăng mạ, hãy báo cho cha mẹ hoặc giáo viên để học có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên thường xuyên theo dõi việc học hành, nói chuyện với con cái để hiểu hơn về tâm lý của con trẻ. 

hoc-truc-tuyen

4. Không đăng bất cứ điều gì có thể làm tổn thương người khác hoặc có tác động tiêu cực

Khi bạn đăng những nội dung xấu hoặc tiêu cực lên Internet, bạn bè, người lạ, giáo viên… và sau này là các nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy, điều này sẽ khiến bạn gặp rắc rối trong tương lai. Rất khó để xóa chúng hoàn toàn, do đó hãy cẩn trọng với những nội dung đăng tải trên mạng.

5. Bảo vệ mật khẩu

Đối với mỗi tài khoản, bạn cần sử dụng một mật khẩu riêng. Tất cả mật khẩu của bạn nên là mật khẩu mạnh, đủ dài và không quá dễ đoán (tối thiểu 8 ký tự, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và các ký tự đặc biệt).

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên chia sẻ mật khẩu cho bất kỳ ai qua tin nhắn, email… thậm chí kể cả khi đó là bạn bè, người thân trong gia đình (không loại trừ trường hợp tài khoản của họ đã bị hack).

6. Cẩn thận khi mở email từ những địa chỉ không quen thuộc

Email, tin nhắn… là một trong những phương thức quen thuộc thường được tin tặc sử dụng để phát tán phần mềm độc hại. Khi bạn nhấp vào một liên kết không rõ ràng hoặc mở tệp đính kèm trong email, phần mềm độc hại có thể được tải về máy.

Điều quan trọng là phải biết cách phân biệt được các email phishing (lừa đảo) với các email chính thống được gửi đi từ các dịch vụ hợp lệ.

Các trang web lừa đảo thường có những sai sót, cách bố trí sắp xếp lộn xộn và nhiều liên kết không hoạt động, nhưng đôi lúc tin tặc cũng nỗ lực xây dựng các trang phishing rất giống với các trang web chính thống và rất khó phân biệt.

7. Cân bằng thời gian sử dụng máy tính với các hoạt động khác

Cân bằng mọi thứ là cách để bạn đạt được hiệu quả cao trong công việc, học tập và cuộc sống. Điều này có nghĩa là bạn cần phải lên kế hoạch cụ thể, sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, một tuần học bao nhiêu tiếng, chơi thể thao mỗi ngày bao nhiêu phút, dọn dẹp nhà cửa…

tap-the-thao-tai-nha

8. Bảo vệ các thiết bị

Nếu một chiếc máy tính ở trường của học viên nhiễm mã độc tống tiền thì việc khôi phục lại dữ liệu sẽ mất rất nhiều thời gian.

Nếu máy tính của giảng viên bị chiếm quyền sử dụng, hậu quả có thể nghiêm trọng hơn nhiều. Một số mã độc có thể tiếp tục lây nhiễm sang các thiết bị của học viên. Đó chính là lý do tại sao bạn cần có cơ chế bảo vệ tin cậy trên mọi máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Hi vọng với những mẹo nhỏ mà Kỷ Nguyên Số vừa giới thiệu, bạn đọc có thể an tâm hơn khi bạn hoặc con trẻ tham gia vào các lớp học trực tuyến nói riêng và truy cập Internet nói chung.

Đọc thêm