6 mẹo đơn giản nhưng giúp điện thoại bảo mật hơn

1. Thay đổi cài đặt bảo mật trên điện thoại

Một số thiết lập mặc định trên điện thoại có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của bạn, đơn cử như việc phân tích và chia sẻ dữ liệu cho các bên thứ ba để cải thiện trải nghiệm sử dụng. 

Để thay đổi quyền riêng tư mặc định trên các thiết bị iOS, bạn hãy vào Settings (cài đặt) - Privacy (quyền riêng tư). Tại đây, người dùng có thể giới hạn hoặc từ chối quảng cáo cá nhân hóa, tắt tính năng phân tích và gửi dữ liệu về máy chủ của nhà sản xuất...

quyen-rieng-tu

Thay đổi các tùy chọn liên quan đến quyền riêng tư trên điện thoại. Ảnh: MINH HOÀNG

Tương tự, đối với các thiết bị Android, người dùng có thể tìm thấy các tùy chọn liên quan đến quyền riêng tư trong phần Settings (cài đặt).

2. Kiểm tra lại quyền hạn của ứng dụng

Hầu hết các ứng dụng mà bạn sử dụng hàng ngày đều yêu cầu quyền truy cập (sử dụng camera, micro, truy cập danh bạ, vị trí, thư viện hình ảnh...), tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể cấp quyền hoặc thu hồi lại quyền hạn bất cứ lúc nào.

Khi cài đặt ứng dụng hoàn tất, bạn hãy cấp quyền cho ứng dụng theo đúng chức năng của nó. Ví dụ, một ứng dụng máy tính không cần thiết phải truy cập vào micro (nếu nó không có tính năng điều khiển bằng giọng nói).

Đối với các ứng dụng nhắn tin, rõ ràng bạn sẽ cần cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ và tin nhắn SMS.

3. Sử dụng VPN

VPN (Virtual Private Network) hay còn gọi là mạng riêng ảo, cho phép bạn truy cập vào các trang web bị giới hạn vị trí địa lý, đồng thời mã hóa toàn bộ dữ liệu giữa thiết bị và máy chủ.

protonvpn

Sử dụng VPN để bảo mật dữ liệu và mã hóa thông tin trao đổi. Ảnh: MINH HOÀNG

VPN cũng bảo vệ quyền riêng tư của bạn bằng cách cung cấp dữ liệu vị trí sai cho hầu hết các nhà quảng cáo trên web. Hiện tại có rất nhiều dịch vụ VPN để bạn lựa chọn, đơn cử như ProtonVPN, Private Internet Access, TunnelBear, NordVPN, Mullvad, SurfShark và IPVanish.

Việc cấu hình VPN tương đối đơn giản, người dùng chỉ cần làm theo các bước hướng dẫn mà nhà phát triển yêu cầu.

4. Cài đặt ứng dụng mã hóa tin nhắn

Hầu hết các ứng dụng nhắn tin trên thị trường đều sử dụng mã hóa đầu cuối, tuy nhiên, việc mã hóa dữ liệu chỉ xảy ra khi tin nhắn được truyền qua các máy chủ. Những tin nhắn trên thiết bị sẽ không được mã hóa, vì vậy tin tặc và các công ty có thể truy xuất nội dung bằng phương pháp thu thập dữ liệu trong nền.

signal

Có khá nhiều ứng dụng nhắn tin cung cấp mã hóa End-to-End (E2E) theo mặc định, đơn cử như Signal, ThreeMa, WhatsApp, Wire, Telegram và Viber.

5. Cân nhắc sử dụng trình duyệt an toàn

Google Chrome là một trong những trình duyệt được nhiều người sử dụng nhất hiện nay vì tốc độ nhanh, đơn giản và kho tiện ích mở rộng phong phú. Tuy nhiên, có nhiều trình duyệt khác cung cấp chế độ duyệt web riêng tư tốt hơn, đơn cử như Firefox.

Tính năng Tracking prevention trên Firefox sẽ tự động ngăn chặn quảng cáo và các trình theo dõi, thu thập thông tin cá nhân khi bạn duyệt web. Bên cạnh đó, một số trình duyệt khác cũng có chức năng tương tự như Microsoft Edge, Brave và Safari (bắt đầu từ phiên bản macOS Big Sur).

safari

Trình duyệt Safari đã hỗ trợ ngăn chặn các trình theo dõi. Ảnh: MINH HOÀNG

Có thể bạn cũng đã nghe nói về Tor Browser, hãy sử dụng trình duyệt này nếu muốn các hoạt động lướt web của mình được an toàn hơn. Tuy nhiên, trình duyệt này có tốc độ khá chậm vì phải định tuyến qua nhiều máy chủ khác nhau trên toàn thế giới.

6. Lưu trữ mật khẩu bằng phần mềm quản lý chuyên dụng

Trong thời đại ngày nay, bạn nên sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu để lưu trữ toàn bộ thông tin đăng nhập trên web. Người dùng sẽ không cần phải nhớ tên đăng nhập hoặc mật khẩu, tất cả sẽ được tự động điền chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Một số phần mềm quản lý mật khẩu tốt nhất hiện nay có thể kể đến như LastPass, Dashlane và Bitwarden.

lastpass

Quản lý toàn bộ thông tin đăng nhập, mật khẩu bằng phần mềm chuyên dụng. Ảnh: MINH HOÀNG

Đọc thêm