Cáp quốc tế: Nối rồi lại… đứt

Phải nói rằng “ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu” (xin lỗi nhà thơ Đỗ Trung Quân), sự cố đứt cáp AAG là một truyện dài nhiều tập. Ngay cả từ điển bách khoa online Wikipedia cũng đã giới thiệu về đường cáp AAG này một cách não nề: “Từ khi bắt đầu vận hành cuối năm 2009 tới nay, tuyến cáp quang biển AAG thường xảy ra tình trạng bị đứt và mất đường truyền”.

Chân dài nhưng lắm bệnh tật

Tuyến AAG được khởi công vào tháng 4-2007 với tổng vốn đầu tư 553 triệu USD gồm 19 đối tác là các doanh nghiệp của nhiều nước. Trong đó có tới bốn doanh nghiệp Việt Nam, VNPT góp 40 triệu USD, Viettel 20 triệu USD, Saigon Postel 20 triệu USD và FPT Telecom 10 triệu USD. Toàn bộ hệ thống cáp dài 20.000 km với các điểm cập bờ ở nhiều nước. Tuyến cáp AAG chính thức đi vào vận hành từ tháng 11-2009.

Việt Nam đã nhiều lần bị tê liệt hoạt động Internet vì sự cố cáp AAG, đặc biệt là khu vực cáp AAG cập bờ ở Vũng Tàu. Năm 2011 xảy ra ba vụ đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu (10-3, 6-8 và 31-8) và một vụ bị ảnh hưởng bởi vết đứt ở đoạn cáp giữa Hong Kong và Philippines (2-10). Năm 2013 xảy ra một vụ đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu (ngày 20-12). Năm 2014 xảy ra một vụ đứt cáp ngoài khơi Vũng Tàu (15-7) và một vụ đứt cáp ở ngoài khơi Hong Kong (ngày 15-9). Năm 2015 mới chưa hết sáu tháng đầu năm đã bốn lần khổ sở vì AAG mà cộng dồn lại có hơn một tháng rưỡi người dùng Việt Nam lâm vào tình cảnh Internet có cũng như không.

Trang tin nước ngoài Rappler.com (23-9-2014) trích dẫn lời ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom, nói trên báo Tuổi Trẻ rằng: “Tôi phải nói rằng hệ thống cáp AAG được xây dựng với một thiết kế kỹ thuật dưới tiêu chuẩn, đây là nguyên nhân chính đằng sau những sự cố đứt thường xuyên của nó”.

Nguyên nhân thường xuyên gây ra đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu được cho là một phần bởi chất lượng thiết kế đường cáp AAG quá tệ, phần khác vị trí được chọn cập bờ là khu vực có quá nhiều tàu bè qua lại khiến đường cáp dễ bị các mỏ neo tàu bè làm đứt.


Sơ đồ tuyến cáp quang AAG.

Tác hại thực tế ngày càng lớn

Khi xảy ra sự cố với cáp AAG, các nhà mạng lập tức điều chuyển lưu lượng trên cáp này sang các đường kết nối Internet quốc tế khác của mình. Tuy nhiên, cách này vẫn chỉ là chữa cháy đầy bị động bởi các tuyến này vốn cũng đã bị quá tải và dung lượng dự phòng cũng ngày càng “đuối”. Cũng dễ hiểu thôi, trong tình hình cạnh tranh gay gắt giữa các nhà mạng về giá cước kèm theo các chiêu khuyến mãi băng thông, các nhà mạng khó lòng mà đầu tư thêm vào khoản dung lượng dự phòng.

Dù vậy, khi đứt cáp các nhà mạng đều có thông báo khẳng định rằng các dịch vụ Internet và các trang web trong nước vẫn hoạt động như bình thường. Nhưng quả thật thì “tin được chết liền”. Về lý thuyết, các trang web có tên miền với đuôi quốc gia .vn và được đặt tại các máy chủ ở Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi đường Internet quốc tế. Nhưng thực tế hầu như trang web nào cũng được nhúng những công cụ tiện ích quốc tế (chẳng hạn như YouTube) nên chẳng thể mở ra bình thường được. Đó là chưa kể tình trạng Internet trong nước bị quá tải khi có thêm nhiều người dùng “ta về ta tắm ao ta” đỡ ghiền trong thời gian “đại dương” bị nghẽn cửa sông.

Mỗi khi đường Internet quốc tế bị chập cheng, các dịch vụ thư tín điện tử miễn phí như Yahoo Mail, Google Mail,… đều ì ạch hay gián đoạn. Có biết bao người dùng Internet chịu thiệt hại vì không thể gửi được các hồ sơ giao dịch, bản mẫu thiết kế,… đúng thời hạn, đặc biệt khi gửi ra nước ngoài; cũng như không thể thực hiện được các thủ tục, giao dịch trên nền web. Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan nước ngoài ở Việt Nam chắc chắn là nản lòng với tình trạng Internet liên tục gặp sự cố làm ảnh hưởng tới hoạt động của họ. Và chắc chắn đây cũng sẽ là một điểm trừ cho những dự án đầu tư ở Việt Nam.

Ngày nay, đường kết nối Internet có tầm quan trọng gộp cả đường dây thông tin, liên lạc và đường giao thông, giao thương lại với nhau. Không thể để mọi hoạt động của cả một nước lại chịu tổn hại chỉ vì một sợi cáp quang. Không còn có thể chấp nhận được tình trạng cứ vài tháng, nửa năm lại xảy ra sự cố Internet chập cheng do đứt cáp quang như vậy. Và rõ ràng thực tế cho thấy Nhà nước không thể phó mặc chuyện này cho các doanh nghiệp, bởi ngoài chuyện năng lực còn có vấn đề lợi ích kinh doanh trước mắt và cục bộ, chưa nói tới thái độ kinh doanh.

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, trong số các nước sử dụng cáp AAG, chỉ có hai nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Việt Nam và Malaysia, mỗi khi đứt cáp AAG là coi như toàn hệ thống Internet của hai nước này gần như tê liệt. Nguyên nhân chính là hai nước này quá phụ thuộc vào cáp AAG và dung lượng dự phòng quá thấp. Riêng tại Việt Nam có tới 60% lưu lượng Internet quốc tế của các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước đặt cược vào tuyến cáp này.

Đọc thêm