Cách lựa chọn thiết bị phát WiFi cầm tay

Hiện nay các điểm phát WiFi ngày càng bị giới hạn, tốc độ một số nơi chậm do nhiều người sử dụng, bên cạnh đó là vấn đề về bảo mật với WiFi công cộng cũng đang là nỗi lo. Việc sử dụng các gói cước 4G đang là giải pháp tiện lợi và an toàn. Dù vậy, để tận dụng lợi thế này người dùng phải mua thêm một thiết bị phát WiFi gắn với SIM 4G mới.

Thiết bị gọn nhẹ, dễ di chuyển

Hiện trên thị trường có khá nhiều mẫu mã và thương hiệu để người dùng lựa chọn, đơn cử như Tp-Link, Xiaomi, Huawei, Tenda, Netgear… với mức giá dao động trong khoảng từ 500.000 đến 4 triệu đồng.

Nếu cần sử dụng màn hình và dễ dàng mang đi khắp nơi, bạn có thể trải nghiệm thử cục phát Tenda 4G185 hiện được bán với mức giá khoảng 1,6 triệu đồng. Thiết bị có tốc độ download/ upload lần lượt là 150 Mbps và 50 Mbps, viên pin có dung lượng 2.100 mAh cho thời gian phát WiFi liên tục khoảng sáu tiếng, hỗ trợ tối đa 10 thiết bị kết nối cùng lúc. Cục phát Tenda được trang bị màn hình OLED giúp người dùng có thể biết được thời gian mở máy, số lượng thiết bị đang kết nối, dung lượng tiêu hao và đặc biệt là tính năng WPS, cho phép kết nối WiFi mà không cần mật khẩu. Ngoài ra, ở mặt sau thiết bị còn có khe cắm thẻ nhớ (tối đa 32 GB), cho phép bạn chia sẻ dữ liệu, hình ảnh, video cho nhiều thiết bị khác nhau.

Muốn kiểm soát thiết bị tốt hơn, bạn phải cài đặt thêm ứng dụng Tenda Link tại địa chỉ https://goo. gl/3XnLrJ (Android) hoặc https:// goo.gl/1bJRw9 (iOS). Giao diện của ứng dụng khá đơn giản chỉ với vài mục chính gồm Status (trạng thái kết nối), Devices (danh sách các thiết bị đang kết nối), App (quản lý dữ liệu chia sẻ) và cuối cùng là Setting (cấu hình thiết bị).

Nếu không dư dả về tài chính, bạn có thể chọn mua Tp-Link MR3020 với mức giá chưa tới 500.000 đồng. Hỗ trợ 3/4G, cổng LAN và nhiều chế độ hoạt động như WISP, Access Point… là một trong những điểm mạnh của MR3020, tuy nhiên thiết bị này lại không tích hợp sẵn pin bên trong, do đó bạn cần phải cắm nguồn liên tục.

Việc sử dụng các thiết bị phát WiFi cầm tay từ 4G ngoài mặt tiện lợi còn giúp người dùng giảm được nhiều chi phí. Ảnh: MINH HOÀNG

Phát WiFi kiêm pin dự phòng

Các thiết bị trên phần lớn là nhỏ gọn, dễ cầm, tuy nhiên giới hạn là thời lượng pin chỉ khoảng 4-6 tiếng. Nếu bạn thường đi công tác xa lên vùng cao hoặc khu vực thường xuyên mất điện thì nên chọn thiết bị có dung lượng pin lớn như Xiaomi ZMI MF855 với mức giá chỉ khoảng 1 triệu đồng, hỗ trợ SIM 3/4G của các nhà mạng Việt Nam, đồng thời kiêm luôn chức năng làm sạc dự phòng cho các thiết bị di động. Đặc biệt, nếu sử dụng liên tục thì thiết bị có thể duy trì 1-2 ngày.

ZMI MF855 có dung lượng pin “khủng” lên đến 7.800 mAh, lớn hơn khá nhiều so với các sản phẩm cùng loại, có thể phát WiFi liên tục khoảng 54 tiếng và cho phép chín thiết bị kết nối cùng lúc. Để sử dụng, bạn chỉ cần mở nắp lưng thiết bị và gắn SIM 3G/4G. Để quản lý lưu lượng dữ liệu và các thiết bị đang kết nối mạng, người dùng phải cài đặt ứng dụng ZMI Mobile Router tại địa chỉ https:// goo.gl/vAqRXj (tương thích với các thiết bị chạy Android và iOS). Lưu ý, bạn nên chuyển ngôn ngữ hiển thị trên smartphone sang tiếng Anh để sử dụng dễ dàng hơn. Theo thử nghiệm, ZMI MF855 có tốc độ phát 4G tương đối nhanh, khoảng 30-40 Mbps tùy từng khu vực.

Ngoài ZMI thì thị trường cũng có một số sản phẩm khác của Tp- Link, Tenda, Hame… cũng có dung lượng pin khá lớn. Với các thiết bị này người dùng có thể vừa phát WiFi vừa dùng cục sạc dự phòng.

Sử dụng gói cước 4G tiết kiệm

Để tiết kiệm chi phí trong việc sử dụng 4G, thay vì đăng ký các gói data có sẵn của nhà mạng, bạn nên chọn loại SIM 4G dùng một năm với dung lượng miễn phí khoảng 4-5 GB/tháng. Nếu nhu cầu cao hơn, người dùng có thể chọn các gói dung lượng 30, 60, 120 hoặc 300 GB/tháng, tuy nhiên mỗi tháng bạn cần phải nạp thêm khoảng 90.000-200.000 đồng/tháng để duy trì mức dung lượng kể trên ngoài tiền mua SIM ban đầu.

Đọc thêm