Bài 3

Kinh nghiệm chặn nội dung độc hại trên TikTok của các nước?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Đằng sau sự vui nhộn mà TikTok mang lại, nền tảng này cũng chứa đựng nhiều thông tin, trào lưu nguy hiểm... hoặc những lời khuyên sai lầm về sức khỏe.

Thống kê cho thấy trong năm 2022 thanh thiếu niên dành trung bình 103 phút mỗi ngày cho TikTok , cao hơn đáng kể so với Snapchat (72 phút) và YouTube (67). Ứng dụng này cũng bị phát hiện quảng bá nội dung về rối loạn ăn uống và tự làm hại bản thân cho người dùng trẻ tuổi.

TikTok bị tố gây nghiện và đề xuất các nội dung độc hại. Ảnh: TIỂU MINH

TikTok bị tố gây nghiện và đề xuất các nội dung độc hại. Ảnh: TIỂU MINH

Trung Quốc

Một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hiện đang thúc đẩy các dự luật hạn chế quyền truy cập TikTok của những người dùng nhỏ tuổi. Tuy nhiên, ByteDance (công ty mẹ của TikTok) không xa lạ gì với những yêu cầu đó. Trên thực tế, công ty đã phải đối phó với những áp lực tương tự từ chính phủ Trung Quốc ít nhất là từ năm 2018.

Năm đó, Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) đã giới thiệu tính năng kiểm soát của phụ huynh, cấm người dùng chưa đủ tuổi xuất hiện trong các buổi phát trực tiếp và phát hành “chế độ dành cho thanh thiếu niên”, chỉ hiển thị nội dung trong danh sách cho phép, giống như YouTube Kids.

Không lâu sau, Douyin đã giới hạn thời gian truy cập của những tài khoản thanh thiếu niên xuống còn 40 phút/ngày, và chỉ có thể sử dụng trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối.

Vào ngày 27-2, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia (Trung Quốc) đã tổ chức một cuộc họp để “thực thi quy định về video ngắn và ngăn người dùng chưa đủ tuổi bị nghiện”. Đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ không hài lòng với các biện pháp hiện tại, và công ty cần phải đưa ra những giải pháp mới.

Để đảm bảo rằng không có thanh thiếu niên nào ở Trung Quốc sử dụng tài khoản của cha mẹ để xem hoặc đăng lên Douyin, mọi tài khoản đều phải liên kết với danh tính thực của người dùng (sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giám sát việc tạo nội dung).

Về mặt nội dung, chế độ dành cho thanh thiếu niên của Douyin cấm hiển thị các video về trò đùa, “mê tín dị đoan” hoặc “địa điểm giải trí”, những nơi như câu lạc bộ khiêu vũ hoặc karaoke mà thanh thiếu niên không được phép đến.

Thay vào đó, Douyin sẽ đẩy mạnh hiển thị các nội dung giáo dục cho trẻ em, bao gồm các thí nghiệm khoa học, triển lãm bảo tàng, phong cảnh và lịch sử. Điều này có thể được sử dụng để truyền cảm hứng cho những đứa trẻ phát triển niềm đam mê với khoa học và nghệ thuật.

Chính phủ Trung Quốc buộc ByteDance kiểm soát nội dung chặt chẽ trên Douyin. Ảnh: Pexels

Chính phủ Trung Quốc buộc ByteDance kiểm soát nội dung chặt chẽ trên Douyin. Ảnh: Pexels

Singapore

Vào tháng 11-2022, Singapore đã thông qua Dự luật An toàn trực tuyến (có sửa đổi) nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các nội dung có hại trên Internet.

Cơ quan phát triển phương tiện thông tin liên lạc (IMDA) cũng trao quyền cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ngăn người dùng truy cập vào các nội dung độc hại trên các nền tảng trực tuyến, đơn cử như TikTok, Facebook, YouTube…

Những nội dung độc hại được định nghĩa là nội dung ủng hộ hoặc hướng dẫn hành vi tự tử, tự gây hại cho bản thân, tình dục, khủng bố, bóc lột, phân biệt chủng tộc, gây bất hòa tôn giáo… ở Singapore.

Thế giới

Trong một bài đăng trên blog vào tháng 3-2023 vừa qua, Cormac Keenan, người đứng đầu bộ phận an toàn của TikTok, cho biết công ty sẽ giới hạn thời gian sử dụng hàng ngày là 60 phút đối với những tài khoản dưới 18 tuổi.

Khi đến giới hạn, người dùng sẽ được nhắc nhở nhập mật mã để tiếp tục sử dụng hoặc nghỉ ngơi. Những tài khoản dưới 13 tuổi sẽ cần cha mẹ nhập mật mã để có thêm 30 phút sử dụng, trong khi đó những người từ 13-18 tuổi có thể tự thực hiện việc này.

Mặc dù vậy, biện pháp này được các chuyên gia đánh giá không hiệu quả vì người dùng có thể nói dối về độ tuổi khi đăng ký ứng dụng.

Đọc thêm