Hà Nội: Kích cầu bằng 1.000 máy tính giá rẻ

1.000 máy tính này sẽ được bán bắt đầu từ ngày 15/4/2009 tại tất cả các cửa hàng bán lẻ của 30 DN thành viên của Câu lạc bộ doanh nghiệp CNTT Hà Nội, và được bảo hành 2 năm tại bất cứ cửa hàng nào của 30 DN này.

Đây là những máy tính lắp ráp từ những linh kiện rời, mà theo đại diện của các DN CNTT Hà Nội, thì đều là những linh kiện chính hãng mà họ đã đạt được những gói sản phẩm ưu đãi trực tiếp từ các nhà sản xuất như: xuất xứ chính gốc, chế độ bảo hành “1 đổi 1”, giá thành tốt.

Những máy tính này sẽ mang một thương hiệu “Intercom Thăng Long”, là thương hiệu đã được công nhận tiêu chuẩn ISO của một thành viên trong chương trình là Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất Việt Nam. 1.000 máy tính sẽ chỉ được lắp ráp tại dây chuyền của công ty này, rồi chuyển đến bán và thực hiện các dịch vụ hậu mãi tại 30 công ty thành viên.

4,6 triệu đồng – có rẻ?

Mỗi chiếc máy tính giá 4,6 triệu này sẽ có cấu hình gồm: bộ xử lý Intel Celeron Dual core D430, ổ cứng Hitachi 80Gb, mainboard BioStar G31D-M7 (có thể nâng cấp mở rộng CPU), chipset Intel G31, RAM 1GB, màn hình Ben Q 15-inch, chuột quang và bàn phím cổng USB…, phần mềm Windows Vista Starter và phần mềm diệt virus Kaspersky có bản quyền.

Chương trình tung ra với khẩu hiệu “máy tính giá rẻ”, vậy với cấu hình và giá 4,6 triệu đồng như vậy thì những máy tính này rẻ hơn thị trường bao nhiêu? Trả lời câu hỏi này của VietNamNet, ông Bùi Hữu Cơ, Chủ nhiệm CLB DN CNTT Hà Nội chỉ khẳng định: chắc chắn rẻ hơn thị trường, còn rẻ hơn bao nhiêu và những thỏa thuận ưu đãi từ các nhà sản xuất liên quan đến giá thành của sản phẩm thì xin không được tiết lộ.

Ông Cơ còn cho biết, các DN trong chương trình hầu như không có lãi. Thậm chí, do tỷ giá USD/VND biến động theo chiều hướng tăng những ngày qua nên có thể các DN còn bị lỗ.

Tìm hướng đi của các DN CNTT vừa và nhỏ

Một mẫu máy tính giá 4,6 triệu đồng được trưng bày tại Hà Nội chiều 15/4. (Ảnh: Thu Hường)
Một mẫu máy tính giá 4,6 triệu đồng được trưng bày tại Hà Nội chiều 15/4. (Ảnh: Thu Hường)

Ông Bùi Hữu Cơ cũng bày tỏ những khó khăn mà các DN vừa và nhỏ gặp phải trong tình hình cạnh tranh và đặc biệt là trong thời khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

“Nếu các DN vừa và nhỏ chúng tôi cứ mãi đi mua hàng của các nhà phân phối, thì chúng tôi cứ mãi bé đi, còn các nhà phân phối vẫn mãi lớn mạnh và chi phối”, ông chủ nhiệm thành thật.

Và hướng các DN vừa và nhỏ tìm ra để dần lớn mạnh lên là đoàn kết nhau lại, tạo uy tín để có những đàm phán trực tiếp từ các nhà sản xuất nước ngoài, và cuối cùng là tìm được những gói hàng giá tốt, đưa ra những sản phẩm cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường.

“Chúng tôi còn nhiều khó khăn phía trước”, ông Cơ nói.

Hiện Hà Nội có khoảng 600 DN kinh doanh trong lĩnh vực CNTT, trong đó có khá nhiều DN lớn, chủ lực với doanh số khổng lồ và cũng có những DN vừa, nhỏ và rất nhỏ, chủ yếu là bán lẻ các sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng.

Nói về hướng phát triển cho các DN CNTT trên địa bàn Hà Nội, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, cho biết, Sở TT&TT Hà Nội đang tham mưu cho thành phố dự thảo một chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2015, trong đó có mục tiêu quan trọng là hỗ trợ cho các DN CNTT phát triển. Dự kiến, chương trình này sẽ quy hoạch một khu công nghiệp CNTT, nhằm tập hợp đội ngũ các DN thành một cộng đồng gắn bó, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành giảm.

Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hiệp hội điện tử Việt Nam cũng cho rằng, 2009 là năm khó khăn và các DN điện tử, CNTT không nằm ngoài những khó khăn này. Dự báo kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam giảm từ 20 – 30% trong năm 2009. Vì vậy, hướng tốt mà các DN cần đi là quay về thị trường nội địa, tạo dựng uy tín với khách hàng và chuẩn bị đối phó với một thị trường trong nước đầy cạnh tranh khi các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ xâm nhập trong nay mai.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 3/2009 trở lại đây, đã có 3 chương trình máy tính giá rẻ liên tiếp được công bố. Intel và Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố sẽ có 1 triệu máy tính giá rẻ dành cho giáo viên và học sinh cả nước trong chương trình “Giáo dục điện tử”, Bộ Y tế cũng đưa ra lộ trình hiện thực hóa “Y tế điện tử” khi trang bị khoảng 50.000 máy tính và nối mạng Internet đến toàn bộ các bệnh viện, cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương.

Mức giá chung của mỗi máy tính được gọi là giá rẻ này từ khoảng 4 – 6 triệu đồng/máy, với cấu hình trung bình, đáp ứng tốt yêu cầu công việc cho phần lớn đối tượng người dùng tại Việt Nam.

Theo Huyền Chi (VNN)

Đọc thêm