Gói xôi, nồi lẩu… lên đời nhờ chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình nhưng còn gặp không ít rào cản trong quá trình chuyển đổi số.

Dưới sự gợi ý của Hội Liên Hiệp Phụ nữ (LHPN) phường, chị Nguyễn Thị Ngọc Minh, chủ quán cơm, mì, phở… ở đường Phan Đăng Lưu đã mạnh dạn đăng ký tham gia khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực ẩm thực, sau nhiều lần rụt rè.

“Tôi có quán ăn bán cả ngày lẫn đêm nhưng chưa nghĩ tới việc bán thêm trên các ứng dụng đặt đồ ăn vì không rành công nghệ, lại không biết tính toán giá cả trên ứng dụng đó ra sao, đăng ký gian hàng thế nào. Nay Hội LHPN phường có xuống vận động và mình biết tới khóa học miễn phí nên đăng ký tham gia để mở rộng thêm khách hàng, có thêm doanh thu nuôi các con ăn học”- chị Minh chia sẻ.

Cũng giống như chị Minh, gần 200 chị em phụ nữ khác cũng đang háo hức tham gia khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh như lập kế hoạch tài chính, quản lí kinh doanh, các vận hành một cửa hàng trực tuyến… cho các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Hội LHPN TPHCM kết hợp cùng Gojek hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, để chuyển đổi số. ẢNH: THU HÀ

Hội LHPN TPHCM kết hợp cùng Gojek hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, để chuyển đổi số. ẢNH: THU HÀ

Khóa đào tạo do Hội LHPN TP.HCM kết hợp cùng Gojek thực hiện với dự án “Quán nhỏ vượt sóng to”. Đây là một sáng kiến của Gojek nhằm hỗ trợ các hàng quán vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trao quyền cho phụ nữ làm chủ thông qua việc trang bị kiến thức và cơ hội chuyển đổi số trong kinh doanh, để cải thiện sinh kế.

“Tại Gojek chúng tôi tin rằng việc chuyển đổi số không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn cần cả kiến thức và kỹ năng. Thông qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn trao quyền cho các chủ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, để họ có thể tận dụng và hưởng lợi từ việc tiếp cận nền kinh tế số, từ đó tăng các cơ hội thu nhập”, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam chia sẻ.

Thông qua dự án, hàng chục nghìn cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam có thể truy cập vào một thư viện thông tin miễn phí trực tuyến gồm các kiến thức, kỹ năng và công cụ về tài chính, công nghệ cần thiết để bắt tay vào việc bán hàng và duy trì hoạt động kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực ẩm thực.

Bà Trần Thị Phương Hoa, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPNVN, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình nhưng còn gặp không ít rào cản trong quá trình chuyển đổi số.

“Các giải pháp hỗ trợ toàn diện để giúp họ có thể thích ứng nhanh với bối cảnh mới khi nền kinh tế đang phục hồi là hết sức cần thiết. Với dự án này của Gojek sẽ hỗ trợ các cửa hàng kinh doanh ăn uống có thể từng bước chuyển đổi số để tiến tới cải thiện sinh kế”- bà Hoa nhấn mạnh.

Chị Lê Thị Thu, chủ quán lẩu Bé Nâu cũng thừa nhận, việc tham gia kinh doanh trên ứng dụng đã giúp chị ổn định cuộc sống. “Trước đây chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào chồng, nên những lúc túng thiếu gia đình lục đục, cãi cọ. Khi quyết định kinh doanh trên ứng dụng đặt đồ ăn, tôi không chỉ kiếm được tiền phụ giúp gia đình, mà công việc kinh doanh đồ ăn cũng tiến triển nhờ vào lượng đặt đơn ngày một tăng cao”, chị Hoa chia sẻ.

Theo thống kê, 90% doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và đang cần được hỗ trợ. Với nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030 thì việc số hóa là vô cùng cần thiết để nhóm này có thể phục hồi.

Đọc thêm