Giảm chờ đợi khi khám bệnh nhờ ‘Y tế số’

Sáng 4-3, tại TP.HCM, trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) phối hợp với Công ty cổ phần eDortor tổ chức buổi hội thảo chuyên đề Hệ sinh thái y tế số Việt Nam: Hiện trạng ứng dụng, thách thức tương lai”.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo. Ảnh: CHÂU NGUYÊN

Hội thảo tổ chức tổ chức với mục tiêu kiến tạo và phát triển hệ sinh thái y tế số Việt Nam, giúp người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách chủ động, nhanh chóng và dễ dàng hơn, giúp giảm tải cho hệ thống y tế và góp phần triển khai thành công chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB cho biết: Hệ sinh thái y tế số sẽ đóng góp vai trò ngày càng quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực y tế như người dân, cộng đồng đến các bệnh viện, bác sĩ, điều dưỡng cho đến các hiệu thuốc…

“Y tế số góp phần giảm áp lực cho các bệnh viên, gia tăng tiện ích cho người dân, giúp đội ngũ y bác sĩ tiết kiệm thời gian đưa ra chuẩn đoán, điều trị bệnh nhờ vào hệ thống dữ liệu, công nghệ hiện đại, kết nối thông suốt. Nền tảng hệ sinh thái y tế số cũng sẽ giúp giảm rủi ro lây nhiễm, giúp cho bệnh viện tổ chức cung cấp dịch vụ y tế nâng cao hiệu quả hơn thông qua kênh đăng ký, tư vấn, đào tạo trên nền tảng trực tuyến”- ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ.

Theo ông Vũ Thái Hà, Giám đốc vận hành của eDoctor, nguồn lực xã hội cần huy động hiệu quả hơn nữa để đẩy nhanh quá trình số hóa hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

“Y tế số với mục tiêu ngắn hạn là cải thiện chất lượng dịch vụ y tế thông qua việc triển khai y tế từ xa và y tế tại nhà, giảm tải cho các cơ sở y tế.  Mục tiêu trung hạn là giúp cho mỗi gia đình đều có một bác sĩ gia đình trực tuyến có thể phục vụ thường xuyên và liên tục. Mục tiêu dài hạn là quản lý sức khỏe của toàn dân một cách hiệu lực và hiệu quả nhất với khả năng quản lý và phân tích dữ liệu sức khỏe trên diện rộng của công nghệ”- Ông Hà nói.

Chương trình "SPO2 tại nhà", là một chương trình đã ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian do PGS. TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), TS. BS Đỗ Thị Tường Oanh, Giảng viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp cùng công ty eDoctor triển khai. Theo đó, ứng dụng công nghệ đã giúp các địa phương kết nối được nguồn lực chuyên môn, gồm các bác sĩ và nhân viên y tế cơ sở, phối hợp cùng cán bộ quản lý tại chính quyền cơ sở và khu dân cư, để kịp thời theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà cho người dân bị nhiễm COVID-19. 

Đọc thêm