Giải pháp bảo vệ trẻ em trên mạng

Trước tình trạng nhiều vấn đề không tốt từ mạng Internet đang ngày càng tác động xấu đến trẻ em, mới đây mạng Yahoo! phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã khởi động chương trình Yahoo! Safely tại Việt Nam. Chương trình nhằm tiếp cận đến các bậc phụ huynh và các nhà đào tạo, giúp trang bị cho họ những kiến thức để nhận diện những nguy hiểm tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến gia đình, học trò và cộng đồng.

Đặc biệt, thông tin của chương trình sẽ được công bố, tuyên truyền trên website http://vn.safely.yahoo.com. Cụ thể, khi truy cập vào trang web, các bậc phụ huynh cũng như thanh thiếu niên sẽ được trang bị những kiến thức để truy cập web an toàn như biện pháp kiểm soát dành cho phụ huynh; giúp trẻ quản lý sự riêng tư khi lên mạng; mẹo an toàn dành cho điện thoại di động; mẹo ngăn chặn các trường hợp bắt nạt qua mạng…

Bà Lotta Sylwander, đại diện UNICEF Việt Nam, cho biết: “Tại một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh như Việt Nam, việc sử dụng Internet và các công nghệ số khác đã trở thành hoạt động thường ngày của rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên tại đây. Điều đó có thể vô tình đặt họ vào những mối nguy hiểm như bị lôi kéo vào những hoạt động không lành mạnh hoặc bị lạm dụng trên mạng. Đặc biệt là hiện tượng lạm dục trẻ em đang trở thành vấn đế nhức nhối. Ở các nước Nam Phi hoặc một số nước phát triển như Thái Lan, tội phạm thường giả danh xâm nhập vào các cộng đồng trẻ em, thậm chí giả danh là trẻ em để lân la làm quen các em, sau đó dụ dỗ các em vào các hoạt động xấu. Việc trang bị cho trẻ em và các bậc phụ huynh kiến thức và kỹ năng về an toàn trực tuyến sẽ giúp bảo vệ họ trước những tác động tiêu cực mà các hành vi ứng xử trực tuyến có thể gây ra”.

Giải pháp bảo vệ trẻ em trên mạng ảnh 1

Có nhiều hoạt động định hướng cho phụ huynh và giới trẻ trong tiếp xúc công nghệ sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro không lành mạnh. Trong ảnh: Game online dễ trở thành “cơn nghiện” với trẻ nhỏ nếu không có sự quản lý tốt. Ảnh: BÁ HUY

Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Học sinh sinh viên Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện nay có khá nhiều trường hợp xấu xảy ra trên mạng, cụ thể như học sinh đánh nhau. Hay các thông tin xấu tràn ngập mà nguyên nhân là sự thiếu quản lý của gia đình. Thiết nghĩ cần có nhiều hoạt động định hướng cho phụ huynh và cả giới trẻ trong tiếp xúc công nghệ để giảm thiểu những rủi ro không lành mạnh. Hiện tại, chương trình của Yahoo là một giải pháp tốt.

Ngoài Yahoo, hiện khá nhiều doanh nghiệp trong nước đưa ra giải pháp để bảo vệ thanh thiếu niên tham gia truy cập Internet. Trong đó nhiều doanh nghiệp sản xuất phần mềm diệt virus cũng xây dựng các chốt chặn để truy cập web, ngăn chặn trẻ nhỏ truy cập vào web xấu. Mặc dù vậy, theo các nhà cung cấp dịch vụ, vấn đề quan trọng thực sự trong việc bảo vệ trẻ nhỏ trước những hiểm nguy Internet vẫn phải xuất phát từ giới phụ huynh. Dù có nhiều giải pháp đến đâu mà gia đình ít quan tâm đến con trẻ thì trẻ em vẫn sẽ dễ dàng gặp những hiểm nguy từ trên mạng.

Giải pháp quản lý việc truy cập cho trẻ em Việt Nam

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, mạng Yahoo! chia sẻ một số giải pháp an toàn trực tuyến dành cho các bậc phụ huynh và thanh thiếu niên trong nước.

Quản lý nội dung tìm kiếm của trẻ: Phụ huynh nên xem lại các nội dung tìm kiếm của trẻ và kiểm soát các website mà trẻ đã đăng nhập vào.

Thỏa thuận về sử dụng điện thoại di động và online trong gia đình: Phụ huynh nên thỏa thuận với trẻ về thời gian cho phép trẻ sử dụng Internet và điện thoại di động.

Sử dụng điện thoại di động an toàn: Trẻ nên được nhắc nhở để không cung cấp những thông tin cá nhân khi gửi mail, hình ảnh, tin nhắn đến những người không phải là bạn hoặc thành viên trong gia đình.

Lựa chọn tên truy cập an toàn: Khi trẻ thiết lập các mật khẩu trực tuyến nên loại bỏ những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để tránh thông tin của trẻ bị tiết lộ ra bên ngoài.

Tạo mật khẩu có độ bảo mật cao: Tạo nhiều mật khẩu khác nhau là bước đầu tiên để phòng, chống các trường hợp xâm phạm và mạo danh. Mật khẩu nên có độ dài ít nhất tám ký tự bao gồm cả số, chữ in hoa và các ký tự.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm