Giải cứu ngành nội dung số

Giải cứu ngành nội dung số

Các doanh nghiệp nội dung số ít nhận được ưu đãi do quy định chưa rõ ràng. Ảnh: TB

 Gánh gần hết “nồi cơm”

Quyết định 392/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) (gọi tắt là Chương trình) đến năm 2020 đã đặt một trọng trách với ngành nội dung số (Digital Contents Industry - DCI). Ngành nội dung số cùng ngành phần mềm và dịch vụ CNTT phải tăng trưởng tối thiểu 15%/năm.

Con số 15% cũng chưa nói lên điều gì. Bức tranh mà Chương trình muốn phác họa là đến năm 2020, gia công phần mềm và nội dung số phải đưa Việt Nam thành một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực này.

Không dừng ở gia công, quyết định trên còn muốn ngành nội dung số cùng lĩnh vực phần cứng - điện tử, phần mềm... phải phát triển được nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam.

Ngành công nghiệp nội dung số phát triển khá nhanh, từ tổng doanh thu khoảng 700 triệu USD năm 2009 đã đạt trên 1,4 tỉ USD năm 2013 (Sách trắng CNTT 2014).

Mức lương bình quân đầu người trong ngành nội dung số khoảng 5.300 USD/năm, cao hơn nhân sự ngành phần mềm và bỏ xa mức 2.300 USD/năm của nhân sự ngành phần cứng. Thế nhưng nhân sự cho ngành phần cứng tăng gấp đôi sau gần năm năm, còn nhân sự ngành nội dung số chỉ tăng từ 41.000 lên khoảng 68.000 người.

Cần bơm trợ lực

Không chỉ hụt về nhân sự, ngành nội dung số còn “hẫng” ngay cả trong chính sách. Trong khi các ngành phần cứng, phần mềm được hưởng ưu đãi khá rõ ràng thì ưu đãi cho nội dung số lại rất mờ ảo.

Hơn nửa năm trước, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 41 ưu đãi thuế, thúc đẩy phát triển. Trong đó phân tích “công nghiệp phần mềm - nội dung số mặc dù phát triển nhanh nhưng còn manh mún, thiếu tập trung nguồn lực”.

Có hai giải pháp đưa ra. Một là phần thu nhập từ sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số cũng được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như sản xuất phần mềm. Hai là giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với “nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT”.

Vấn đề vướng mắc là nhân lực ngành nội dung số có được xem là công nghệ cao và hưởng ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập cá nhân này hay không?

Ưu đãi phải rõ ràng

Luật CNTT quy định “Công nghiệp CNTT là ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất và cung cấp sản phẩm CNTT bao gồm: sản phẩm phần cứng, phần mềm và nội dung thông tin số”. Theo đó, Nghị định 71/2007 làm rõ hơn, quy định sản phẩm nội dung thông tin số bao gồm các giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập dưới dạng điện tử; sách, báo, tài liệu dưới dạng số; các loại trò chơi điện tử; trò chơi tương tác qua truyền hình; thư viện số, kho dữ liệu số, từ điển điện tử; phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số...

Phần dịch vụ của ngành nội dung số được liệt kê là: phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số; dịch vụ nhập, cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ và xử lý dữ liệu số; chỉnh sửa, bổ sung tính năng, bản địa hóa các sản phẩm nội dung thông tin số; đào tạo từ xa; dịch vụ khám chữa bệnh từ xa; dịch vụ truyền thông được cung cấp trên môi trường mạng....

Căn cứ pháp lý từ Luật CNTT và Nghị định 71/2007 này khá rõ ràng, cho thấy ngành nội dung số là một ngành công nghệ cao. Theo lý đó, nhân lực ngành này sẽ được ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập cá nhân.

Nghị quyết số 41 đã giao cho Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chí, điều kiện xác định cụ thể “nhân lực công nghệ cao” hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, hơn nửa năm qua, đến nay vẫn chưa có tín hiệu cụ thể nào từ các bộ để ngành nội dung số vững tin trong thu hút nhân sự.

 

Không nhận được ưu đãi mà còn sợ bị đi tù

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ như hiện nay thì nhu cầu của người dùng Việt Nam về các sản phẩm nội dung số như giải trí, học tập, mua sắm, kết nối… rất cao và đây là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Theo báo cáo của đại diện Google tại sự kiện Internet day 2016 vừa qua, nếu trước đây mọi thứ hầu hết diễn ra tại cửa hàng thì bây giờ Internet đã mang khách hàng đến cửa hàng. Cũng theo báo cáo của Google thì tại Việt Nam, 73% người dùng tìm hiểu thông tin trên Internet trước khi mua hàng và 82% người sở hữu smartphone sử dụng điện thoại để hỗ trợ việc mua hàng ngay trong cửa hàng.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ thực tế khuyến khích sự phát triển cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Vẫn còn những chính sách đang khiến các DN trong lĩnh vực nội dung số, đặc biệt những DN sản xuất game và DN kinh doanh thương mại điện tử, lo lắng mình sẽ bị vi phạm pháp luật, chẳng hạn như Điều 292 được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đọc thêm