Điện thoại phổ thông giữa thời di động thông minh

Có không ít người đã khóc thương cho cái chết càng đến gần hơn đối với điện thoại phổ thông sau thương vụ Microsoft bán lại mảng sản xuất kinh doanh điện thoại chức năng Nokia cho hai hãng Đài Loan và Phần Lan hôm 18-5-2016. Người ta khó lòng không bị choáng khi giá bán chỉ có 350 triệu USD trong khi hồi tháng 4-2014, Microsoft đã tốn tới 7,17 tỉ USD để thâu tóm mảng sản xuất và kinh doanh điện thoại di động của hãng Nokia một thời lừng lẫy.

Điện thoại phổ thông còn đất sống?

Điện thoại phổ thông còn được gọi là điện thoại chức năng (feature phone), tức loại điện thoại di động chỉ có các chức năng liên lạc cơ bản như gọi, nhắn tin SMS hay MMS. Nó chỉ có thể hỗ trợ phần mềm của hãng thứ ba thông qua những nền tảng khá bị hạn chế như Java, BREW,… Thực tế là hiện nay, nhu cầu về loại điện thoại này vẫn còn khá cao, chủ yếu ở các nước nghèo nhưng cũng vẫn bán được ngay cả ở Mỹ.

Tất nhiên giới trẻ và dân có tiền chỉ nhắm mắt nhắm mũi chi bộn tiền cho những chiếc smartphone thời thượng và hiện đại. Tuy nhiên, những người dùng lớn tuổi, đặc biệt là ở vùng nông thôn, chỉ có nhu cầu gọi điện thoại, nhắn tin thông thường. Vì thế, hợp với nhu cầu và túi tiền, họ vẫn trung thành với điện thoại chức năng. Điều này cũng tương tự có những thị trường (đặc biệt là ở các nước nghèo như ở châu Phi, Nam Á, châu Mỹ Latin,…) hiện nay vẫn còn bán những chiếc TV xài ống đèn hình cổ lai hy. Mà chẳng cần đi đâu xa, bạn cứ về nông thôn ở Việt Nam ắt sẽ thấy những chiếc TV này vẫn đang cần mẫn phục vụ nhu cầu của người dân.

công nghệ phát triển nhưng vẫn còn nhiều người dùng gắn bó với điện thoại phổ thông. Ảnh: INTERNET

Trong những lần sang Mỹ, tôi vẫn thường vào những cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, những siêu thị mua những chiếc điện thoại chức năng không dùng SIM, card của những nhà mạng di động để liên lạc. Giá cực rẻ, chỉ chừng 13-15 USD, trong đó có sẵn tài khoản 10 USD. Bạn chỉ cần gọi lên nhà mạng hay vào Internet để kích hoạt chúng. Xài hết tiền lại mua thẻ nạp thêm mà xài tiếp. Với loại điện thoại rẻ tiền và tiện dụng này, bạn có thể gọi điện thoại và nhắn tin giống như mọi người Mỹ với cước nội địa rẻ hơn cả chục, cả trăm lần so với xài dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming). Hai hãng Samsung và LG hiện nay vẫn sản xuất rất nhiều mẫu điện thoại chức năng này cho thị trường Mỹ.

Báo cáo của EMarketers về tình hình người dùng điện thoại di động trên thế giới năm 2013 (công bố năm 2014) cho thấy trong tổng số 581 triệu người dùng điện thoại di động ở Ấn Độ có tới 80% là điện thoại chức năng. Tỉ lệ này là 73% ở Brazil, 66% ở Indonesia, 65% ở Argentina, 57% ở Trung Quốc, 53% ở Nga, 36% ở Mỹ, 33% ở Anh.

Riêng ở Việt Nam, bạn cứ vào các cửa hàng điện thoại dọc các con đường sẽ thấy đầy những chiếc điện thoại chức năng, thậm chí có giá vài ba trăm ngàn đồng.

Người dùng vẫn lưu luyến

Còn nhớ hồi năm 2011, mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã đưa ra ứng dụng Facebook for Every Phone để cho phép những người sử dụng điện thoại chức năng có thể lên Facebook. Vào năm 2013, ứng dụng này đã hỗ trợ tới hơn 3.000 mẫu điện thoại chức năng khác nhau và có tới 100 triệu người xài trên thế giới. Hồi tháng 1-2016, tạp chí PC nói rằng điện thoại chức năng sắp được tái sinh. Và những chiếc điện thoại cơ bản này giờ đây chạy CPU Qualcomm Snapdragon và hệ điều hành Android.

Có lẽ điện thoại chức năng chỉ rơi vào thời đã mãn khi nào các nước cắt bỏ mạng di động 2G GSM. Chẳng hạn Telstra - mạng di động lớn nhất ở Úc đã thông báo kế hoạch tắt mạng GSM từ tháng 12-2016, mạng 2G như Singapore có lộ trình tắt mạng 2G từ tháng 4-2017,… Hồi cuối năm 2015, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng Viettel đã kiến nghị thu hồi tần số mạng 2G để dành tần số phát triển mạng 4G. Nhưng nhiều chuyên gia và người dùng thiết bị, dịch vụ chạy trên mạng 2G như hộp đen trên phương tiện giao thông, thiết bị thu tiền điện, điều khiển nhà thông minh, giám sát hành trình xe,… yêu cầu cần có lộ trình dài cho quá trình này, chưa chắc 10 năm đã xong. Mà hễ nhà mạng còn cung cấp mạng 2G thì điện thoại chức năng vẫn còn đất sống.

Ít sụt giảm doanh số

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường quốc tế IDC, điện thoại chức năng chiếm 68,3% thị phần điện thoại di động ở Việt Nam vào quý IV-2013 và 56,8% ở quý IV-2014. Vào quý II-2015, lần đầu tiên thị phần smartphone vượt qua điện thoại chức năng chiếm 51% (so với 44,5% hồi quý trước đó).

Đọc thêm