Cần đào tạo 1.000 cán bộ chuyên gia về chuyển đổi số

“Bước tiếp theo của công nghệ thông tin là chuyển đổi số. Đây là sự chuyển dịch mang tính cách mạng, sẽ làm thay đổi diện mạo của đất nước. Sứ mạng ấy được trao cho những người làm CNTT, những người làm công nghệ số nói chung”. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề “Chuyển đổi số: Kết nối, chia sẻ dữ liệu hoàn thiện chính quyền điện tử”. Hội thảo do Bộ TT&TT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên, Hội Tin học Việt Nam tổ chức ngày 23-8 tại TP Tuy Hòa (Phú Yên). Tham dự hội thảo này có hơn 800 đại biểu đại diện các cơ quan của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cùng các chuyên gia, doanh nghiệp chuyên ngành CNTT-TT (ICT).

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (thứ ba từ phải sang) tham quan triển lãm về công nghệ thông tin.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò một cửa cho các doanh nghiệp, các tổ chức làm CNTT-TT; tiếp nhận, lắng nghe các vấn đề của ngành, giải quyết, tham mưu Chính phủ giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Bộ TT&TT cũng đóng vai trò nhạc trưởng về phát triển ICT. Bộ TT&TT được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia để ban hành trong năm nay. Do đó, chuyển đổi số là nhiệm vụ mới, thách thức mới. Chính vì vậy, lực lượng làm CNTT Việt Nam sẽ có bước phát triển mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu có năm lĩnh vực trong ICT bao gồm bưu chính với định hướng là hạ tầng cho thương mại điện tử; viễn thông với định hướng chuyển từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT; CNTT với định hướng là chính phủ điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; an toàn, an ninh mạng với định hướng bảo đảm an toàn cho công cuộc chuyển đổi số; công nghiệp ICT với định hướng phát triển 100.000 doanh nghiệp ICT. Cả năm lĩnh vực này phải được đầu tư trước, đi trước để thay đổi thứ hạng Việt Nam đang từ 108 lên tốp 50, tốp 30.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Phải phát triển 100.000 doanh nghiệp ICT, nhất là các doanh nghiệp tại các tỉnh, TP. Tập trung làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, cần đào tạo 1.000 cán bộ chuyên gia về chuyển đổi số, phân bổ ở tất cả ban, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, lan tỏa.

Triển lãm công nghệ thông tin - truyền thông tại hội thảo.

Tại hội thảo trên, các nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về xu thế chuyển đổi số - cơ hội và thách thức với Việt Nam; đề án chuyển đổi số quốc gia; đề xuất giải pháp thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy cách bạn sống và làm việc; xu hướng an toàn thông tin trong chuyển đổi số; các giải pháp đồng bộ xây dựng hệ thống kho dữ liệu dùng chung; hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ điều hành không giấy tờ VNPT-eCabinet; bộ giải pháp ứng dụng công nghệ AI chuyển văn bản thành giọng nói… Ngoài ra, còn có các hội thảo chuyên đề như  “Chuyển đổi số: Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử”, “Chuyển đổi số: Nông nghiệp, du lịch và biến đổi khí hậu, môi trường thông minh”.

Cũng tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, hợp tác phát triển CNTT-TT theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử…

Đọc thêm