Bí kíp bảo vệ thông tin cá nhân

Nhiều người sẽ ngạc nhiên và cảm thấy hoảng sợ khi được biết một phần mềm sau khi cài đặt thành công trên máy điện thoại có khả năng truy cập vào tất cả hình ảnh, danh bạ có trên máy điện thoại sau đó gửi toàn bộ thông tin này về một khu vực lưu trữ khác. Như vậy, những gì là riêng tư của người sử dụng có còn được riêng tư và được lưu giữ an toàn trên điện thoại?

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) có hướng dẫn cá nhân bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Theo đó, người tiêu dùng cần lưu ý khi tải và cài đặt, sử dụng phần mềm trên điện thoại.

Bí kíp bảo vệ thông tin cá nhân  ảnh 1

1. Cân nhắc trước khi cai đặt phần mềm, ứng dụng

Một nghiên cứu phỏng vấn mới đây của Pew Reasearch cho thấy, 54% người được phỏng vấn đã quyết định không tải và cài đặt phần mềm, ứng dụng trên điện thoại vì họ phát hiện phần mềm yêu cầu truy cập quá nhiều thông tin trong quá trình sử dụng. 30% đã gỡ bỏ phần mềm vì phát hiện có nhiều thông tin cá nhân bị thu thập trong quá trình sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho mình, trước khi cài đặt một phần mềm, người tiêu dùng cần đọc kỹ Chính sách thông tin của nhà cung cấp, tìm hiểu các loại thông tin có thể bị chia sẻ khi cài đặt dịch vụ và cân nhắc trước khi xác nhận nút "Đồng ý".

2. Sao lưu, bảo vệ dữ liệu

Liên quan đến thói quen sử dụng điện thoại, người tiêu dùng cần lưu ý một số thao tác sau:

Tiến hành sao lưu ảnh, tin nhắn, danh bạ và tài liệu trên máy điện thoại để có một bản dự phòng trong trường hợp bị mất điện thoại hoặc ăn cắp dữ liệu. Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ sao lưu dữ liệu (bản thân các hãng điện thoại cũng cung cấp các khu vực để giúp người tiêu dùng lưu trữ và sao lưu dữ liệu). Người tiêu dùng có thể lựa chọn đơn vị uy tín để thực hiện hoạt động sao lưu.

Thực hiện xóa lịch sử hoạt động và thông tin tìm kiếm trên các trình duyệt Internet (Firefox, Opera…). Phần lớn những thông tin về quá trình "lướt web" của người tiêu dùng được lưu trữ . Để tránh những rò rỉ thông tin ngoài ý muốn, người tiêu dùng cần có thói quen xóa bỏ lịch sử hoạt động của mình.

3. Tắt chức năng định vị (GPS) trên điện thoại.

Các dịch vụ bản đồ trực tuyến vốn rất hữu dụng với mọi người, đặc biệt là dân du lịch. Tuy nhiên, để sử dụng các phần mềm này hoặc các phần mềm liên quan đến xác định vị trí thì người tiêu dùng cần kích hoạt tính năng GPS. Sau khi sử dụng xong, người tiêu dùng cần tắt tính năng này để đảm bảo thông tin về vị trí của người tiêu dùng không bị chia sẻ một cách thụ động.

PHÁT HIỆN BỊ XÂM PHẠM QUYỀN RIÊNG TƯ, LÀM SAO?

Trường hợp phát hiện Chính sách thông tin của bất kỳ doanh nghiệp nào có dấu hiệu xâm phạm quyền riêng tư hoặc có quy định mang tính cưỡng bức, ép buộc, không đảm bảo sự công bằng, rõ ràng, người tiêu dùng có thể thực hiện một trong các biện pháp sau để bảo vệ quyền chính đáng của mình:

- Đề nghị doanh nghiệp giải thích rõ nội dung về chính sách thông tin của doanh nghiệp.

- Trường hợp doanh nghiệp không hoặc giải thích không thỏa đáng, người tiêu dùng có thể liên hệ Tổng đài miễn phí bảo vệ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương để được hỗ trợ, tư vấn: 1800.6838.

DOANH NGHIỆP CẦN LÀM GÌ?

Doanh nghiệp cần chú trọng tới chính sách thông tin và bảo vệ thông tin của khách hàng một cách công bằng và minh bạch. Cụ thể:

1. Thu thập có giới hạn: Việc thu thập thông tin phải có giới hạn và được thực hiện theo các quy định và bằng phương thức do pháp luật quy định; ngoài ra, việc thu thập phải được thông báo và được sự đồng ý của chủ thể.

2. Chất lượng thông tin thu thập: Thông tin thu thập phải phù hợp với mục đích sử dụng và cho quá trình mở rộng nếu cần thiết. Thông tin phải đảm bảo chính xác, toàn diện và có khả năng cập nhật.

3. Mục đích sử dụng: Mục đích thu thập thông tin phải được thông báo trước khi tiến hành hoạt động thu thập.

4. Phạm vi sử dụng: Thông tin thu thập chỉ được sử dụng theo đúng những mục đích thu thập đã được thông báo, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật

5. Biện pháp bảo vệ thông tin: Thông tin cá nhân cần được bảo vệ bởi biện pháp bảo vệ an ninh hợp lý chống lại các rủi ro như mất mát hoặc truy cập trái phép, phá hoại, sử dụng, sửa đổi hoặc tiết lộ dữ liệu.

6. Tuyên bố của doanh nghiệp về chính sách thông tin: Tuyên bố này cần thể hiện các hoạt động phát triển, nâng cấp của doanh nghiệp phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng thông tin của khách hàng. Doanh nghiệp cần cung cấp các công cụ để khách hàng có thể biết về nơi lưu trữ thông tin, có thể chỉnh sửa khi có sự thay đổi.