Bao giờ cho tới 4G?

Cách đây ít năm, lang thang trên đường phố San Francisco (bang California, Mỹ), tôi thấy những cửa hàng của một số nhà mạng di động quảng cáo rằng “4G đã có mặt ở đây hay 4G đang đến đây”. Và cách đây ít tháng, tôi đã ngao du khắp Mỹ với dịch vụ 4G của nhà mạng T-Mobile, mọi thứ dường như đã thay đổi đến bất ngờ.

Đi phi cơ và lái xe bò

Ngao du ở Mỹ, tôi đều post hình ảnh và video nóng hổi vừa thổi vừa ăn lên Facebook và các trang web của mình. Tốc độ truyền tải data của mạng 4G nhanh ngất ngây. Tôi hỏi thăm những bạn bè ở Mỹ trước đây xài mạng 3G, giờ lên đời 4G thấy thế nào? Ai cũng “khoái” cái tốc độ và băng thông của nó. Vậy đó, những người từng xài mạng 3G đúng tốc độ mà còn bị thuyết phục bởi 4G, huống chi là một kẻ lâu nay phải chịu đựng mạng 3G “lết” (3G mà tốc độ lết như rùa bò) thì còn “hoang mang” tới chừng nào.

3G, 4G đều là tên viết tắt của công nghệ liên lạc di động thế hệ thứ ba (Third Generation) và thứ tư (Fourth Generation). Tốc độ ban đầu của 3G được quốc tế quy định thấp nhất là 200kbps (0,2Mbps). Sau này, với sự phát triển lên mạng 3.5G và 3.75G, tốc độ được tăng lên. Tốc độ tối đa của 3G tùy thuộc vào khả năng và công nghệ của mỗi nhà mạng. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, 3G có tốc độ tối thiểu 2Mbps và tối đa đạt tới 28Mbps. Cao nhất là công nghệ HSPA + có tốc độ lý thuyết tối đa là 168Mbps (download) và 22 Mbps (upload). Còn ở Việt Nam, theo thử nghiệm đo đạc ngoài đường tại Hà Nội của mạng Viettel, có 90% mẫu đạt tốc độ trên 512kbps hoặc 1Mbps.

Trong khi đó, công nghệ 4G được giới thiệu đầu tiên ở Hàn Quốc vào năm 2007 tới nay đã phát triển lên phiên bản LTE (Long Term Evolution) và mới nhất là LTE-A (Long Term Evolution Advanced) có tốc độ tối đa được ITU quy định là tới 100Mbps khi xe chạy và 1Gbps khi đi bộ hay đứng tại chỗ. Tốc độ tối đa của LTE là 100Mbps (download) và 50Mbps (upload). Còn của LTE-A là 1Gbps (download) và 500Mbps (upload).

Hãng Chevrolet là hãng xe hơi đầu tiên tích hợp hệ thống 4G LTE trên các dòng xe mới của mình. Ảnh: INTERNET

Vì sao cần 4G?

Chỉ cần nhìn bảng so sánh tốc độ truyền dữ liệu cửa 3G và 4G là người ta có thể hiểu vì sao cả thế giới đang háo hức chuyển từ 3G lên 4G.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương, từng cho biết: “3G cho dữ liệu và 4G cho nội dung số trên mạng. Ngoài ra 4G có chuẩn an toàn, bảo mật cao hơn hẳn, đây là điều cần thiết trong bối cảnh có quá nhiều nguy cơ, bất trắc trên mạng”.

Ngày nay smartphone với giá ngày càng rẻ đã ngày càng phổ biến trong xã hội. Nó cho phép người dùng kết nối với Internet để tìm kiếm thông tin và giải trí, thậm chí làm việc. Người dùng di động đang có trào lưu tham gia các mạng xã hội, chia sẻ hình ảnh và video mà mình ghi được bằng smartphone cho mọi người. Game online cũng đang phát triển mạnh trên nền di động. Các kênh phát truyền hình và phim cũng ăn nên làm ra trên mạng di động. Ngay cả các trang web cũng tích hợp multimedia. Đặc biệt là giờ đây, người ta chuộng nội dung nghe nhìn chất lượng cao, có độ nét không chỉ Full HD mà còn tới Ultra HD 2K, 3K. Với tất cả sự thay đổi thì 3G không còn đáp ứng nữa.

Cần nhanh chân hơn cho người dùng

Chuẩn bị từ năm 2010, từ cuối năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu cấp phép cho những nhà mạng có yêu cầu được chính thức thử nghiệm và cung cấp dịch vụ 4G. Hiện nay có các nhà mạng Viettel, VNPT (Vinaphone) và MobiFone đã xin thử nghiệm 4G. Năm 2016, mạng 4G sẽ bắt đầu được phủ sóng ở Việt Nam.

Ông Thiều Phương Nam, một trong những người lâu nay tích cực vận động áp dụng 4G ở Việt Nam, cho rằng: 4G đã chín muồi và được ứng dụng thực tế ở ngày càng nhiều nước trên thế giới. Thiết bị hạ tầng ngày càng rẻ. Số lượng thiết bị di động hỗ trợ 4G đang ngày càng nhiều hơn và bắt đầu được mở rộng tới phân khúc phổ thông.

Từ kinh nghiệm của 3G, chắc chắn các nhà mạng thông minh biết nhìn xa trông rộng sẽ đầu tư lên ngay thế hệ 4G LTE-A với tốc độ cao nhất. Và hy vọng một khi phủ sóng 4G, mạng 3G sẽ giảm tải, thông thoáng hơn, cải thiện được tốc độ phục vụ tốt hơn cho những thiết bị chỉ hỗ trợ 3G. Đó gọi là chơi 4G mà 3G được hưởng lợi.

Giảm được thời gian chờ đợi

Các nhà mạng cho biết giá cước 3G với 4G giống nhau vì với hai chuẩn này, cước được tính trên dung lượng dữ liệu truyền tải. Vì thế dùng 4G với tốc độ cao, người dùng có lợi là tốn ít thời gian hơn và nhà mạng ít bị chiếm dụng băng thông hơn. Dù vậy người dùng vẫn phải cẩn thận khi sử dụng các dịch vụ không giới hạn.

Đọc thêm