5 dấu hiệu cho thấy điện thoại dính phần mềm độc hại

1. Nhanh hết pin

Khi phần mềm độc hại xâm nhập vào điện thoại, chúng sẽ liên tục chạy nền và gửi dữ liệu về máy chủ từ xa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến điện thoại nhanh hết pin hơn so với bình thường. Ngoài ra, nhiệt độ cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến máy nhanh hết pin, do đó, bạn hãy tránh sử dụng điện thoại ở những khu vực có nhiệt độ cao, không đặt thiết bị gần cửa sổ, bếp…

2. Tiền bị trừ bất thường

Việc theo dõi chặt chẽ hóa đơn điện thoại có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ. Thông thường, phần mềm độc hại sẽ tự động gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ để trừ tiền, chưa kể đến việc dữ liệu di động trên máy cũng sẽ hao hụt nhanh hơn. 

Để hạn chế tình trạng trên, bạn có thể cài đặt các ứng dụng quản lý cước phí của nhà mạng như My Viettel, My MobiFone và My VNPT để kiểm soát tốt hơn. Tại giao diện chính, người dùng có thể biết được giá tiền của từng cuộc gọi, từng tin nhắn…

3. Quảng cáo và các ứng dụng không mong muốn 

Ngoài việc thu thập dữ liệu, phần mềm độc hại còn có khả năng mở “cửa hậu” trên điện thoại để tải về thêm những phần mềm độc hại khác. Đơn cử như Trojan Hummer, nó đã lây nhiễm trên khoảng 1,4 triệu thiết bị Android mỗi ngày tại Ấn Độ, Nga và Philippines. Sau khi xâm nhập thành công, Hummer sẽ cố gắng chiếm quyền quản trị, điều này cho phép nó tải xuống các nội dung không mong muốn, thêm vào đó, bạn cũng sẽ khó khăn hơn trong việc gỡ bỏ phần mềm độc hại ngay cả khi đã khôi phục cài đặt gốc trên thiết bị.

Người ta ước tính rằng, nếu những người tạo ra virus (có khả năng ở Trung Quốc) nhận được 0,5 USD cho mỗi lần lây nhiễm, họ có thể đã kiếm được hơn 500.000 USD chỉ trong 24 giờ. 

4. Hiệu suất điện thoại giảm

Điều này cũng không có gì khó hiểu khi có quá nhiều phần mềm độc hại chạy ngầm trên hệ thống. HummingBad là Trojan tương tự như Hummer, lây nhiễm trên khoảng 10 triệu thiết bị bằng cách giả mạo các ứng dụng phổ biến, đơn cử như YouTube, WhatsApp… Theo thống kê, tội phạm mạng đã kiếm được 300.000 USD/tháng từ HummingBad.

Trong một số trường hợp, phần mềm độc hại có thể lừa bạn tải về các bản cập nhật hệ thống giả mạo để kiểm soát toàn bộ thiết bị. Sau đó, nó sẽ hiển thị quảng cáo tràn lan và gửi thông tin cá nhân về máy chủ được điều khiển bởi Yingmob, một nhóm tin tặc Trung Quốc. 

Để kiểm tra ứng dụng nào đang ngốn nhiều RAM nhất, bạn hãy vào Settings (cài đặt) > General (cài đặt chung) > iPhone Storage (dung lượng iPhone). Đối với các thiết bị Android, người dùng cần truy cập vào Settings (cài đặt) > Apps (ứng dụng). Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.

5. Tin nhắn lạ

Bạn cần phải đề phòng khi phát hiện trên điện thoại xuất hiện các tin nhắn SMS đáng ngờ (một chuỗi các chữ số, kí tự). Nguyên nhân của việc này rất có thể là lỗi của phần mềm gián điệp, nếu nó không được cài đặt đúng cách, tin nhắn được mã hóa sẽ xuất hiện trong hộp thư đến của bạn.

Tương tự, nếu các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè gửi cho bạn những tin nhắn, email kì lạ, rất có thể đây là dấu hiệu cho thấy điện thoại của họ đã bị nhiễm phần mềm độc hại. 

Để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm phần mềm độc hại, bạn chỉ nên tải xuống các ứng dụng trên Google Play hoặc App Store, hạn chế cài đặt phần mềm thông qua các tập tin .apk. Trong trường hợp bất đắc dĩ, người dùng nên kiểm tra tập tin thông qua dịch vụ Virustotal để đảm bảo an toàn. 

Hi vọng với những mẹo nhỏ mà kynguyenso.plo.vn vừa giới thiệu bên trên, bạn đọc sẽ hạn chế được tình trạng điện thoại bị dính phần mềm độc hại. 

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm