3 lý do vì sao điện thoại gập chưa phổ biến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Khi Samsung lần đầu tiên ra mắt điện thoại gập, thiết bị đã nhanh chóng gây được tiếng vang và nhiều người tin rằng nó sẽ sớm trở thành xu hướng. Tuy nhiên, vì sao đến thời điểm hiện tại điện thoại gập vẫn chưa phổ biến?

Đến thời điểm hiện tại đa số các nhà sản xuất thiết bị Android đều đã ra mắt phiên bản điện thoại gập của riêng mình, đơn cử như Samsung Z Fold4, Oppo Find N2 Flip, vivo X Fold, Xiaomi Mix Fold 2, Huawei Mate X2… Tất cả những điều này dường như đều cho thấy điện thoại gập có thể sẽ là tiêu chuẩn mới.

Tuy nhiên, vẫn có một số lý do khiến điện thoại gập chưa thể phổ biến như mong đợi.

1. Giá cả

Ngoại trừ khả năng mở rộng màn hình hiển thị, đa số các mẫu điện thoại gập đều có giá tương đương với một chip flagship thông thường, thậm chí cao hơn gấp đôi.

Ví dụ Samsung Galaxy Z Fold 4 khi mới ra mắt có giá 1.800 USD (gần 41 triệu đồng tại thị trường Việt Nam). Thậm chí ngay cả chiếc điện thoại Pixel có thể gập lại (sắp ra mắt) của Google cũng được cho là có giá tương tự.

Vì sao điện thoại gập chưa trở thành xu hướng? Ảnh: TIỂU MINH

Vì sao điện thoại gập chưa trở thành xu hướng? Ảnh: TIỂU MINH

Tất nhiên là chúng ta không thể đổ lỗi cho các nhà sản xuất về giá cả. Công nghệ màn hình gập vẫn còn khá mới, do đó chi phí sản xuất và các linh kiện tương đối đắt đỏ. Bên cạnh đó, nếu người dùng không sẵn sàng trả tiền cho một chiếc điện thoại gập, thì các công ty như Samsung sẽ không có lý do gì để sản xuất chúng ở quy mô đủ lớn để hạ giá thành.

2. Mất giá nhanh

Lý do thứ hai là điện thoại gập thường mất giá rất nhanh. Fold4 hiện tại đang được bán ra với giá chỉ khoảng 29 triệu đồng (chưa kể một số ưu đãi giảm giá), giảm hơn 10 triệu đồng so với thời điểm mới ra mắt.

Điều này là do điện thoại gập không giống như điện thoại thông thường (hình thức cố định), các bộ phận bên trong điện thoại không dễ để tái chế và ứng dụng lại trong các phiên bản tiếp theo. Vì vậy, chúng sẽ trở nên lỗi thời nhanh hơn, trở thành rác thải điện tử.

Điện thoại gập có xu hướng mất giá nhanh. Ảnh: TIỂU MINH

Điện thoại gập có xu hướng mất giá nhanh. Ảnh: TIỂU MINH

3. Yếu tố hình thức không dành cho tất cả mọi người

Bỏ qua giá cả, một lý do khác khiến điện thoại gập không trở thành tiêu chuẩn mới là do thiết kế của nó. Về ý tưởng, một chiếc điện thoại có thể biến thành máy tính bảng nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng liệu mọi người có cần không?

Ngoài ra, tỷ lệ khung hình hiển thị của màn hình gập khác với tỷ lệ khung hình của máy tính bảng, điều đó có nghĩa là trong một số trường hợp, máy tính bảng thực sự phù hợp hơn cho những việc như xem phim, chỉnh sửa ảnh hoặc video.

Nói như vậy không có nghĩa là điện thoại gập hoàn toàn vô dụng. Thực tế là ngày càng có nhiều nhà sản xuất tham gia vào cuộc đua này, điều đó cho thấy rằng có nhu cầu đối với những thiết bị như vậy (ở một mức độ nhất định).

Ngay cả khi điện thoại gập không trở thành tiêu chuẩn, chúng ta vẫn có thể thấy công nghệ của nó được áp dụng cho các thiết bị trong tương lai, đơn cử như thiết bị đeo tay, màn hình máy tính, laptop, ô tô…

Đọc thêm