2 ứng dụng gian lận của TQ bị xóa khỏi Google Play

Công ty Trung Quốc, Cheetah Mobile từng bị buộc tội vào năm ngoái khi có những hành vi gian lận trong kinh doanh. Tương tự, Kika Tech cũng là một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Silicon Valley và đã từng nhận một khoản đầu tư lớn từ Cheetah vào năm 2016. 

2 ứng dụng gian lận của TQ bị xóa khỏi Google Play ảnh 1
Tám ứng dụng bị phát hiện gian lận đã có hơn 2 tỉ lượt tải trên Google Play. Ảnh: Kochava

Tám ứng dụng được phát hiện bởi Kochava đã có hơn 2 tỉ lượt tải trên Google Play và khoảng 700 triệu người dùng sử dụng hằng ngày. Danh sách các ứng dụng bị phát hiện gian lận thuộc Công ty Cheetah Mobile bao gồm Clean Master, Security Master, CM Launcher 3D, Battery Doctor, Cheetah Keyboard, CM Locker, CM File Manager và ứng dụng cuối cùng là Kika Keyboard.

Công ty phân tích ứng dụng Kochava tuyên bố rằng Cheetah Mobile và Kika đều tham gia vào cái gọi là “gian lận nhấp chuột”. Khi Kochava chủ động liên hệ với cả hai công ty về vấn đề trên, Kika cho biết họ đang điều tra nội bộ. Trong khi đó Cheetah Mobile cố gắng đổ lỗi cho SDK của bên thứ ba hoặc các mạng quảng cáo, tuy nhiên Kochava đã chỉ ra những cú click gian lận được thực hiện bởi Cheetah Mobile.

Google đã bắt đầu một cuộc điều tra sau báo cáo của Kochava, hiện công ty đã xóa hai ứng dụng gồm CM File Manager (hơn 50 triệu lượt tải) và Kika Keyboard (hơn 100 triệu lượt tải). Cheetah Mobile cũng tự nguyện xóa ứng dụng Battery Doctor và CM Locker khỏi Google Play.  

2 ứng dụng gian lận của TQ bị xóa khỏi Google Play ảnh 2
Google đã xóa 2 ứng dụng tình nghi ra khỏi Play Store. Ảnh: TIỂU MINH

Theo tờ BuzzFeed News, Google cho biết họ sẽ có những hành động cứng rắn hơn với các nhà phát triển nếu phát hiện thêm những vi phạm. Sau khi Google xóa ứng dụng, Cheetah đã giải thích với giới truyền thông và trấn an các nhà đầu tư rằng việc mất ứng dụng CM File Manager không phải là vấn đề lớn. CM File Manager chỉ đóng góp vào doanh thu của công ty khoảng 58.000 USD trong quý 3-2018, chiếm 0,03% tổng doanh thu của công ty trong cùng kỳ. 

Về cơ bản, tất cả ứng dụng trên đều khá quen thuộc đối với người dùng tại Việt Nam bởi lẽ một số đã được cài sẵn trên điện thoại trước khi bán ra. Thêm vào đó, nhà phát triển cũng thường xuyên chạy quảng cáo để tên các ứng dụng xuất hiện hàng đầu các kết quả tìm kiếm trên Google Play.

Theo báo cáo, cả hai công ty bị cáo buộc đã lạm dụng quyền hạn để tự động nhấn vào các mẩu quảng cáo, cài đặt ứng dụng nhằm nhận “tiền hoa hồng”. Thậm chí, Kika Keyboard còn theo dõi các truy vấn của người dùng thông qua Google Play. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà quảng cáo, cũng như các nhà phát triển sẽ mất đi một khoản tiền thưởng hợp pháp thu được thông qua việc cài đặt ứng dụng.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm