Tin rác vẫn tung hoành do luật thiếu chặt chẽ

Tin rác vẫn tung hoành do luật thiếu chặt chẽ ảnh 1

Một SMS rác quảng cáo cho dịch vụ của 6784. Ảnh: N.Đ

Luật vẫn “hổng”

Theo thống kê của Thanh tra Bộ TT&TT, tính đến thời điểm hiện nay cả nước có khoảng 200 công ty dịch vụ nội dung (CP - Content Provider), chủ yếu tập trung tại 3 đô thị lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang tham gia phát triển và kinh doanh dịch vụ tin nhắn giải trí qua mạng viễn thông di động như nhạc chuông, hình nền, game, rồi tin tức, “dụ” nhắn tin trúng thưởng… Tuy nhiên, đáng lo ngại là sau một thời gian dài thì tới nay, câu chuyện CP vi phạm, phát tán tin nhắn rác làm đau đầu người dùng và cơ quan quản lý vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí trong năm 2011 có thời điểm còn “nhũng nhiễu” người dùng di động mạnh hơn năm 2010.

“Mổ xẻ” nguyên nhân, tại Ngày An toàn Thông tin vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Hữu Phương – Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT cho rằng, một lý do quan trọng dẫn đến tình trạng nói trên là quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế. Ví dụ, theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác thì mức xử phạt tối đa hiện nay là 100 triệu đồng/hành vi. Thế nhưng ông Phương cho rằng không phải hành vi vi phạm nào cũng có thể áp dụng ở mức cao nhất, và thực tế là dù đã bị xử phạt nhưng do mức xử phạt còn thấp, không đủ tính răn đe nên CP chưa “sợ”, vẫn bất chấp lợi nhuận lớn hơn để vi phạm.

Bên cạnh đó, việc đình chỉ cung cấp dịch vụ của CP cũng rất khó khăn do Nghị định số 90 về chống thư rác nói trên chỉ quy định chung chung “đình chỉ hoạt động quảng cáo bằng thư điện tử, tin nhắn” chứ chưa đưa ra được nguyên nhân để thực hiện đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ.

Cũng theo ông Phương, hiện nay Việt Nam đã có Nghị định 30/2007/NĐ-CP quy định về kinh doanh xổ số nhưng lại chưa có một văn bản nào quy định việc tổ chức các chương trình bình chọn, dự đoán, trao giải trúng thưởng trên mạng di động để đảm bảo quyền lợi người tham gia. “Việc tổ chức các chương trình bình chọn, trao giải trúng thưởng hiện nay hoàn toàn do các doanh nghiệp tự tổ chức và tự… kiểm soát. Do vậy cơ chế trúng giải có ngẫu nhiên khách quan hay không, có thực sự tìm được người trúng giải hay không là rất khó kiểm soát và các doanh nghiệp vẫn nhân cơ hội này tung “mồi nhử” là giải thưởng trị giá như xe hơi, xe máy SH, LX… để “câu” người dùng di động”, ông Phương bày tỏ.

Vẫn phổ biến chuyện CP vi phạm, nhà mạng làm ngơ?

Một chuyên gia thẳng thắn nhận định do mức ăn chia phổ biến thông qua các hoạt động kinh doanh dịch vụ tin nhắn giải trí qua mạng viễn thông di động nói trên hiện nay vẫn đang là doanh nghiệp viễn thông (Telco) hưởng 60 - 65%, CP hưởng 35 - 40%. Như vậy tức là Telco đang chiếm lợi nhuận lớn hơn cả từ hoạt động kinh doanh... lừa đảo người dùng di động của CP, vì thế cho đến nay vẫn phổ biến chuyện: Telco làm ngơ, không kiểm soát kỹ hoạt động của các CP. Mặt khác, tất cả các chi phí cho nội dung là do các CP phải trả, lợi nhuận của các CP thấp nên dẫn tới hệ lụy là chất lượng nội dung thấp, thiếu sáng tạo nghiêm túc và đương nhiên là họ dùng mọi thủ đoạn để lừa đảo, dẫn dụ người dùng di động.

"Chưa hết, mối quan hệ Telco – CP còn được đẩy lên mức… phức tạp cao hơn khi bên cạnh việc chủ động cung cấp dịch vụ trên mạng di động, thì để tăng doanh thu và khai thác triệt để các đầu số thuê của doanh nghiệp di động, hầu hết các CP hiện còn ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với những tổ chức, cá nhân khác (Sub-CP) để cùng cung cấp dịch vụ và ăn chia lợi nhuận. Nhiều CP dù được cấp đầu số hầu như không kinh doanh mà cho Sub-CP thuê lại. Đây thực sự là vấn đề nan giải, vẫn gây khó cho việc kiểm soát, xử lý vấn nạn tin nhắn rác trong nước”, bà Lê Thị Ngọc Mơ – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh.

Chính vì thế, xuất phát từ thực tế nêu trên nhiều quan điểm cho rằng vấn đề quản lý nhà mạng, CP và cả Sub-CP cần được các cơ quan quản lý triển khai quyết liệt hơn. Trước hết, Nhà nước phải can thiệp bằng việc ra quy định về Hợp đồng khung cho các doanh nghiệp di động và các CP về phạm vi trách nhiệm, phân chia lợi ích… nhằm kích thích công nghiệp nội dung phát triển lành mạnh. Cùng đó, vấn đề xây dựng quy định quản lý về quy hoạch và cấp đầu số, kiểm duyệt kịch bản nội dung của CP, các chế tài xử lý cụ thể… cần được xây dựng sớm để quản lý “sát sườn” hơn những “chiêu” lừa đảo người dùng di động tinh vi.

Ông Lê Hữu Phương cho rằng, phải quy hoạch các đầu số dành cho việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, tin nhắn giải trí theo hướng đầu số dành cho dịch vụ quảng cáo riêng, dịch vụ nội dung riêng, thu hồi các đầu số dịch vụ do công ty thông tin di động tự ý cấp cho các CP..., đồng thời cũng cần phải gấp rút xây dựng Nghị định quy định quản lý các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả, quy chế trao giải trúng thưởng, mức giải thưởng trên mạng di động để đảm bảo quyền lợi người tham gia.

Theo thống kê năm 2010, số tin nhắn trung bình trên mỗi thuê bao trong một ngày ở mức 3,1 tin nhắn (mạng Viettel), các mạng di động khác như MobiFone, con số này rơi vào khoảng 1,1 tin nhắn. Cũng trong năm 2010, mạng di động và các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo đã gửi hơn 4,7 tỷ tin nhắn quảng cáo.

Theo Nguyên Đức (ICTnews)

Đọc thêm