Mất mẫu thử iPhone 4, một công nhân tự tử

Sun là một kỹ sư mới tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm ở bộ phận thiết bị viễn thông của hãng sản xuất và gia công thiết bị điện tử Foxconn ở Thẩm Quyến (Trung Quốc).

Theo thông tin được tiết lộ trên tờ nhật báo tiếng Hoa Southern Metropolis Daily, ngày 9/7, Sun được giao nhiệm vụ chuyển 16 mẫu thử của chiếc điện thoại iPhone thế hệ tiếp theo từ một dây chuyền lắp ráp về văn phòng của hãng. Tuy nhiên, vài ngày sau anh công nhân này mới phát hiện ra thiếu mất một mẫu. Ban đầu, Sun nghĩ rằng mình để quên ở nhà máy nhưng sau khi đã tìm rất kỹ mà vẫn không thấy.

Đến ngày thứ Hai (13/7), Sun báo cáo trường hợp này với cấp trên và bị bắt giam ngay tại công ty. Hai ngày sau, 3 nhân viên khác của Foxconn đã bí mật khám xét phòng ở của Sun nhưng cũng không tìm được manh mối gì.

Có một số nguồn tin cho rằng anh chàng công nhân này đã bị tra tấn trong khi đang bị tạm giữ tại hãng để điều tra nội bộ.

Ngày thứ Năm (16/7), camera an ninh cho biết Sin Danyong đã chết do tự tự bằng cách nhảy ra từ cửa sổ phòng ở của mình.

Nếu theo dõi các tin tức về công nghệ, mọi người thường rất quen thuộc với vô số những blog luôn luôn “đói” thông tin, đặc biệt là những chi tiết mới nhất về các sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, giữ bí mật tuyệt đối để kích thích doanh số tiêu thụ khi được tung ra thị trường cũng như “làm giá” là chiến lược kinh doanh của Apple nên các cuộc chạy đua tìm kiếm thông tin về họ cũng trở nên vô cùng khốc liệt.

Foxconn là một hãng công nghệ của Đài Loan chuyên sản xuất gia công và lắp ráp các sản phẩm iPhone và iPod cho Apple. Chính vì lẽ đó mà Foxconn cũng đã và đang vấp phải những sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ đến từ Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Việc đánh mất một mẫu thử của dòng sản phẩm chủ lực nhất của Apple sẽ khiến cho mối quan hệ giữa Foxconn và Apple bị tổn thương nghiêm trọng nên có thể hiểu được sự lo lắng của ban lãnh đạo hãng này.

Tuy nhiên, cái chết của Sun Danyong đã dấy lên một luồng dư luận phản đối sự “bóc lột” của các hãng công nghệ nước ngoài đối với công nhân Trung Quốc hoặc Đài Loan.

Theo ICTNews (DigitalBeat)

Đọc thêm