Vui buồn mua hàng online

Hồi trước có nghe nhiều người nói về cái thú vui thậm chí trở thành ghiền mua hàng online trên mạng, tôi không tin nhưng rốt cuộc tôi cũng bị ghiền cái thú shopping thời công nghệ cao này thiệt. Ngược xuôi trên những cửa hàng online vài ba hôm, cuối cùng cũng không kìm được cái sự sung sướng sở hữu những món hàng thú vị.

Mua hàng online dễ như “ăn cơm sườn”

Ngày nay, chỉ cần mở trình duyệt để lên Internet, bạn sẽ lập tức nhận ngay vô số lời chào mời mua hàng, sử dụng dịch vụ online. Kiểu quảng cáo pop-up với những cửa sổ nhỏ bung tới tấp vào mặt người duyệt web nay đã “xưa rồi Diễm”, ai mà cố tình đeo bám cũng dễ bị các trình duyệt hay các ứng dụng người dùng chặn lại. Dân tiếp thị online bây giờ chèn hẳn quảng cáo vào các trang web. Mà bây giờ, các cỗ máy quảng cáo online rất siêu và thông minh, biết nhận ra hành vi, đọc được ý thích và xu hướng mua sắm của từng người. Chẳng hạn, bạn vào một trang dịch vụ trang trí nội thất hay đặt hàng online một chiếc tivi là lập tức sau đó trên các trang web mua bán mở ra, ngay cả khi vào Facebook, sẽ có ngay những quảng cáo về trang trí nội thất, tivi…

Hàng hóa online đa dạng hoa lá cành. Chỉn chu là các cửa hàng chuyên bán hàng online, các website thương mại điện tử như Amazon, BestBuy, eBay, Lazada, Sendo… Hơi lề đường có rất nhiều chợ online như Chợ Tốt, Ai Bán Ai Mua, Nhật Tảo… Nhưng có lẽ chộn rộn nhất và rậm đám nhất là hoạt động mua bán trên mạng truyền thông xã hội Facebook. Một phần do quy mô của Facebook quá rộng lớn, theo số liệu do họ cung cấp, vào ngày 30-6-2016 ghi nhận được có 1,71 tỉ người dùng thật sự hằng tháng. Có lẽ không có phương thức bán hàng nào nhanh và dễ như chào hàng trên Facebook.

Mua sắm online khá tiện lợi nhưng cũng đi kèm với rủi ro. Ảnh: INTERNET

Không chỉ mua hàng trong nước, người dùng Việt Nam có thể mua hàng ở Mỹ hay những nước khác. Hiện nay có những dịch vụ trong nước chuyên đảm trách việc này. Bạn chỉ việc vào các cửa hàng online như Amazon, BestBuy, eBay… chọn món hàng muốn mua rồi cung cấp mã món hàng đó cho dịch vụ mua giùm. Họ sẽ lo từ A tới Z, đóng thuế ở Mỹ và ở Việt Nam cho bạn rồi chuyển hàng về tận nhà bạn. Tôi vừa mua một đầu Blu-ray 4K trên Amazon với giá rẻ hơn ở Việt Nam (kể cả sau khi trả chi phí mua giùm cho dịch vụ) và khoảng 10 ngày sau đã có nó trong tay.

Cẩn thận vẫn là điều luôn phải nhớ

Khi mua hàng trực tiếp tại cửa hàng có lúc bạn còn bị hớ, bị lừa thì mua hàng trên mạng do đặc thù của nó càng dễ có nguy cơ cao hơn nhiều. Mua hàng online tiện lợi thật nhưng nó cũng có những bất tiện như bạn không thể tận tay, tận mắt xem trước được món hàng, không thể trực tiếp giao dịch với người bán, không thể tiền trao cháo múc có hàng ngay lập tức để xài.

Kinh nghiệm từ nhiều người chuyên mua hàng online cho biết thì yêu cầu đầu tiên là bạn phải chọn mua hàng ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng và đáng tin cậy. Tất nhiên mua ở các cửa hàng online chuyên nghiệp luôn an toàn hơn. Nếu người bán có cho số điện thoại, bạn nên liên lạc trực tiếp để hỏi cho rõ.

Thích món hàng nào rồi, bạn cần lên Internet để tìm kiếm thông tin về món hàng đó, tốt nhất là từ nhà sản xuất. Chớ vội tin những thông tin do người bán cung cấp.

Giá cả cũng là một yếu tố dễ khiến bạn bị hớ. Bạn nên tham khảo nhiều nơi, tốt nhất là nhờ những trang web chuyên so sánh về giá, như Web So Sánh… để biết đâu là giá tốt nhất. Ngay cả khi mua hàng trên Amazon, Lazada… bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin về giá của món hàng đó từ nhiều nhà cung ứng khác nhau. Tôi mới mua một dock gắn ổ đĩa cứng USB trên Lazada và biết được giá bán khác nhau, thậm chí rất xa, từ những nhà cung ứng khác nhau. Có nơi 800.000 đồng nhưng có chỗ tới hơn 1 triệu đồng. Còn chênh lệch nhau vài chục ngàn đồng là chuyện phổ biến.

Do không được trực tiếp xem thử hàng trước và cũng do đã xảy ra không ít trường hợp bên đóng hàng làm ăn tắc trách hay gian dối, bạn cần phải yêu cầu nơi bán và người giao hàng cho mình khui hàng ra kiểm tra trước khi chấp nhận và trả tiền. Có lần tôi mua một bàn phím máy tính kết nối Bluetooth từ Lazada nhưng lại bị nơi cung ứng chuyển cho một cái thiếu cả nắp đậy pin. Lần khác là một chiếc kính thực tế ảo VR có mắt kính bị trầy trụa thấy mà thương.

Với kinh nghiệm của mình, tôi cố gắng tránh tối đa chuyện thanh toán qua ngân hàng hay bằng các loại thẻ ngân hàng trong các giao dịch online. Có thể tóm gọn hai bí kíp khi mua hàng online ở Việt Nam là kiểm tra hàng trước khi thanh toán và trả tiền khi nhận hàng.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương), trong năm 2015, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến ước đạt 160 USD, doanh số thương mại điện tử B2C đạt khoảng 4,07 tỉ USD (tăng 37% so với năm 2014), chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Có 45% dân số sử dụng Internet và tỉ lệ người dùng Internet mua sắm trực truyến đạt 62%. Có hơn 80% doanh nghiệp lớn có trang web quảng bá sản phẩm của mình.

Đọc thêm