“Trợ lý ảo” với công nghệ nhận diện… nói dối

Được thiết kế bởi các nhà khoa học của trường Đại học Arizona kết hợp với Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), chiếc máy tính được gọi là AVATAR (Automated Virtual Agent for Truth Assessments in Real Time) hay với tên thân mật Elvis. Chiếc máy tính này sẽ sử dụng một cảm biến để ghi lại hình ảnh của các hành khách để ghi nhận các phản ứng sinh lý bất thường khi trả lời các câu hỏi, từ đó có thể nhận ra họ đang nói dối.

“Những gì chúng tôi đang tìm kiếm là những thay đổi trong sinh lý học của con người”, ông Doug Derrick, thành viên của đội phát triển Elvis của trường Đại học Arizona cho biết. “Chúng tôi đã rất thành công trong việc phát hiện những bất thường của người được hỏi, là những thứ mà người bình thường khó có thể phát hiện ra”.

“Trợ lý ảo” với công nghệ nhận diện… nói dối ảnh 1

“Trợ lý ảo” Elvis sẽ giúp các nhân viên an ninh có thể nhận diện những kẻ khả nghi và nói dối
Hệ thống máy tính của Elvis sử dụng 3 bộ cảm biến để đánh đánh giá phản ứng sinh lý của người được hỏi: một microphone giát sát chất lượng và âm điệu giọng nói, một máy ảnh hồng ngoại để theo dõi sự giãn nở của đồng tử mắt và một máy ảnh độ nét cao để ghi lại nét mặt.

“Người thường phải mất một khoảng thời gian và rất khó khăn để phát hiện những thay đổi nhỏ trong tần số tiếng nói của con người, trong khi đó một máy tính có thể thực hiện điều này tốt hơn nhiều lần”, Derrick cho biết thêm.

“Khả năng nhận diện nói dối của con người chỉ ở mức 54%, trong khi hệ thống của chúng tôi có thể đạt tỷ lệ 90%”, Derrick tự tin tuyên bố.

Hiện trợ lý ảo này đã được thử nghiệm tại trạm kiểm soát Dennis DeConcini Port, thuộc thành phố Nogales (bang Arizona, Mỹ), nằm trên biên giới giữa Mỹ và Mexico, như là một biện pháp để kiểm soát các du khách đi qua biên giới này. Elvis sẽ giúp các hành khách được đánh giá là “nguy cơ thấp” có thể thực hiện các thủ tục thông quan được nhanh chóng hơn.

Các du khách đi qua biên giới sẽ phải trải qua một cuộc phỏng vấn với Elvis, đồng thời đặt lại thông tin về dấu vân tay sinh trắc học. Theo Derrick, quá trình thẩm vấn và kiểm tra sẽ được Elvis thực hiện và xử lý trong vòng 5 phút.

Du khách chỉ cần đứng ở phía trước hệ thống Elvis, trông giống như một chiếc máy ATM với giao diện là một gương mặt người, và trả lời các câu hỏi bằng “có” hoặc “không”, được hỏi bằng đồng thời cả tiếng Anh lẫn Tây Ban Nha.

“Bạn có thể nói chuyện với nó như nói chuyện với một con người”, Derrick cho biết.

Những câu trả lời của du khách sẽ được theo dõi, cùng với những phản ứng sinh lý bất thường. Nếu Elvis phát hiện ra những dấu hiệu khả nghi trong quá trình thẩm vấn, một cuộc thẩm vấn cẩn thận và kỹ càng hơn sẽ được thực hiện bởi các nhân viên an ninh tại cửa khẩu.

Mặc dù Derrick thừa nhận phản ứng bất thường không hẳn là dấu hiệu của một sự nói dối, tuy nhiên có những lý do dẫn đến những phản ứng không bình thường này, và việc kiểm tra những người có phản ứng như vậy là một biện pháp đề phòng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết hiện tại Elvis vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, và những du khách được quyền tự nguyện tham gia những cuộc thẩm vấn thay vì bắt buộc. Tuy nhiên, nếu thử nghiệm thành công, trợ lý ảo này có thể được triển khai như một biện pháp bảo vệ của Cục hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ.
Theo T.Thủy (Dân trí / CNN)

Đọc thêm