Những ngộ nhận về ổ cứng SSD

Hồi cuối năm 2008, nhiều chuyên gia CNTT đã từng dự đoán rằng: “Năm 2009 sẽ là năm của ổ cứng thể rắn (Solid State Disk – viết tắt là SSD)” và họ đã không sai. Nhưng ít người biết rằng sở dĩ ổ cứng SSD đang ngày càng trở nên phổ biến một phần có “công sức” của sự ngộ nhận mà giới công nghệ đang dành cho nó.

Ngộ nhận thứ nhất: SSD giúp máy tính khởi động nhanh hơn

Những ngày đầu mới ra thị trường, điều này là hoàn toàn đúng bởi khi đó, thế giới mới chỉ được đón nhận những SSD có dung lượng “tí hon” với chỉ 8 GB, 16 GB hay “khủng nhất” cũng chỉ là 32 GB. Với thế giới CNTT hiện nay, một chiếc ổ cứng có dung lượng chừng đó quả thực gần như không thể giải quyết được vấn đề gì nhiều và nó buộc người dùng không thể cài đặt nhiều ứng dụng lên máy tính. Một lẽ hiển nhiên, với một hệ thống càng ít ứng dụng được cài đặt, tốc độ khởi động của nó càng ngắn. Số liệu kiểm tra khi đó cho thấy, một chiếc máy tính được trang bị SSD thường chỉ mất 20 giây để khởi động.

Nhưng mọi chuyện đã bắt đầu khác đi kể từ khi những ổ cứng có dung lượng từ 64 GB trở lên bắt đầu được tung ra thị trường, ngày càng nhiều người bắt đầu nhận ra một sự thật “phũ phàng” rằng SSD không giúp cho họ rút ngắn thời gian khởi động máy tính là bao nhiêu. Khi có thêm nhiều ứng dụng được cài đặt thêm, các chuyên gia nhận thấy thời gian khởi động của những hệ thống có SSD vẫn tăng thêm ít nhất 15 – 20 giây và tương đương với những ổ cứng đĩa từ chạy cơ học (HDD).

Ngộ nhận thứ hai: SSD giúp tiết kiệm pin cho laptop

Với điều ngộ nhận thứ 2 này, không cần mất quá nhiều thời gian nghiên cứu mọi người cũng có thể nhận thấy đó là một sự vô lý bởi thực chất SSD là một thiết bị điện tử và không thể nói một thiết bị điện tử tiêu tốn ít điện năng hơn một thiết bị cơ học (ổ cứng HDD).

Tuy vậy, có một thực tế gần đúng là SSD được thiết kế để hoạt động trong các hệ thống tiêu thụ điện năng thấp và điều đó đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng SSD giúp cho quả pin laptop của họ hoạt động lâu hơn.

Sự ngộ nhận về khả năng tiêu thụ điện năng của SSD còn liên quan đến sự hiểu sai về cơ chế tiêu thụ điện của mỗi chiếc máy tính mà nhiều người đến nay vẫn mắc phải. Trong mỗi chiếc máy tính, màn hình luôn là thiết bị tốn điện nhất sau đó là đến CPU, bộ nhớ, bộ xử lý đồ họa (GPU), ổ đĩa quang (những ổ đĩa CD/DVD vẫn tiêu tốn một lượng điện nhất định ngay cả khi chúng không hoạt động).

Ngộ nhận thứ ba: SSD có tốc độ đọc/ghi nhanh hơn

Thực ra, cho đến nay thế giới công nghệ vẫn chưa hết tranh cãi về khả năng này của những chiếc SSD. Trên thực tế, thị trường phần cứng cũng đã được đón nhận một số sản phẩm SSD có tốc độ nhanh thực sự. Đó là mẫu X25-M dành cho nhóm khách hàng tiêu dùng thông thường và mẫu X25-e dành cho máy chủ do Intel sản xuất.

Đến nay, các nhà sản xuất SSD vẫn tuyên bố rằng họ đang tiếp tục cải thiện hơn nữa tốc độ đọc /ghi dữ liệu của những chiếc SSD. SanDisk là một trong những hãng tuyên bố sẽ cho ra đời mẫu SSD có tốc độ 100x vào năm sau.

Nhưng hiện nay, những chiếc SSD đang nhanh đến độ nào? Các chuyên gia của tạp chí tin học Information Week đã thử nghiệm và so sánh sản phẩm X25-M dung lượng 80 GB của Intel và Velociraptor 300 GB của Western Digital. Với công nghệ SATA 3.0, tốc độ quay 10.000 vòng/phút Velociraptor hiện vẫn được coi là ổ cứng HDD có tốc độ nhanh nhất trong dòng sản phẩm ổ cứng đĩa từ truyền thống. Kết quả là X25-M có tốc độ ghi 256,7 MBps còn Velociraptor có tốc độ 250,3 MBps. Ở thử nghiệm thứ 2, các chuyên gia lấy 8 GB dữ liệu từ 2 ổ đĩa đó để chuyển sang một ổ đĩa thứ 3. SSD X25-M của Intel mất 264 giây còn Velociraptor mất tới… 264 giây. Các thử nghiệm về tốc độ đọc, tốc độ vừa đọc vừa ghi… cũng cho kết quả không mấy khác biệt.

Với các thử nghiệm này cho thấy, trong quá trình sử dụng thông thường với sự khác biệt quá nhỏ khó ai có thể nói được rằng SSD có tốc độ nhanh hơn HDD. Và nếu muốn được chứng kiến sự khác biệt rõ nét hơn, lời khuyên của các chuyên gia là người dùng hãy đợi ít nhất là đến giữa năm 2009.

Theo ICTNews/Information Week

Đọc thêm