Hành trình “tỉ đô” của Instagram

Hành trình “tỉ đô” của Instagram ảnh 1

Facebook mua lại Instagram với giá khoảng 1 tỉ USD. Ảnh: Getty Images

Ba năm trước, Instagram xuất hiện trên kho ứng dụng App Store của Apple với một số dòng mô tả ngắn gọn về tầm nhìn của nhà phát triển: giúp nhiếp ảnh di động “nhanh, đơn giản và đẹp” hơn.

Ngày nay, Instagram đã đầu quân về Facebook – mạng xã hội lớn nhất hành tinh với giá gần 1 tỉ USD và đe dọa thay đổi toàn cục ngành nhiếp ảnh. Ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh hiện có hơn 150 triệu người dùng toàn cầu. Khả năng thêm bộ lọc cổ điển, tạo ra hiệu ứng máy ảnh cổ Polaroid của Instagram được vô số người nổi tiếng ưa chuộng.

Phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đều có tài khoản Instagram. Paul McCartney – một thành viên trong bộ tứ huyền thoại The Beatles giới thiệu sản phẩm âm nhạc mới qua trang web và Andy Murray gửi lời cảm ơn người hâm mộ sau khi chiến thắng giải quần vợt Wimbledon bằng đoạn video Instagram.

Instagram đã trở thành ứng dụng “vàng” như thế nào? Làm thế nào để ứng dụng của hai sinh viên Stanford Mỹ trở thành món hàng trị giá tới cả tỉ đô chỉ sau 3 năm?

Lí giải cho thành công mang tính hiện tượng của Instagram có thể tìm thấy trong bài blog đầu tiên được viết khi ứng dụng ra mắt năm 2010. Nhà sáng lập Kevin Systrom và Mike Krieger muốn giải quyết 3 vấn đề chính của nhiếp ảnh di động.

Câu đầu tiên vô cùng đơn giản: “ảnh chụp từ điện thoại của tôi dởm quá”. Sự phát triển của smartphone đã đặt nhiếp ảnh vào đầu ngón tay của đám đông song không có nhiều cách để che đậy sự nghiệp dư của người chụp. Instagram tung ra 11 bộ lọc được cài sẵn có thể thêm những hiệu ứng cổ điển với màu sắc tươi sáng hay hiệu ứng phai màu.

Tiếp đó là lời phàn nàn “khó chia sẻ với bạn bè mà tôi quan tâm”. Một giải pháp đơn giản đã có mặt: Instagram được thiết kế để dễ dàng liên kết với Facebook, Twitter, Flickr, Tumblr để ảnh được đăng ngay trong vài giây.

Cuối cùng, Instagram muốn giải quyết vấn đề tải ảnh. “Tốn nhiều thời gian để tải ảnh và xem ảnh rất chậm” là cách họ nói về vấn đề này. Nối điện thoại vào máy ảnh hoặc cố tải ảnh qua mạng Internet chậm chạp là điều gây khó chịu. Giải pháp là làm cho tệp tin nhỏ đi. Kevin giải thích: “Ma thuật của việc tải nhanh đơn giản là chúng ta không tải lên độ phân giải đầy đủ. Thay vì tải lên 3MB, chúng ta chỉ tải 60kb thôi. Đó là sự khác biệt vô cùng lớn”.

Hành trình “tỉ đô” của Instagram ảnh 2

Tập hợp một số bức ảnh Instagram

Instagram lấy cảm hứng từ những bức ảnh Polaroid xưa cũ. Polaroid cho phép người dùng được xem ảnh ngay lập tức thay vì phải mất vài ngày để tráng, rửa. Với Polaroid, mọi việc được hoàn thành bên trong máy ảnh; còn với Instagram, đó là năng lực chia sẻ ảnh tính theo giây.

Ứng dụng thành công tức thì. 10.000 người tải về chỉ trong vài tiếng. Vào cuối tuần đầu tiên, con số tăng lên 200.000 và chưa đầy một tháng, đã có hơn 1 triệu người đăng kí.

Tuy nhiên, khởi đầu đó không phải do may mắn. Những nhà sáng lập trẻ tuổi của Instagram đã dành nhiều năm trời để học tập từ những công ty điện toán và mạng xã hội thành công nhất trên thế giới trước khi bắt tay vào làm.

Kevin Systrom từng thực tập tại Odeo – sau này là Twitter – và có khoảng 2 năm làm việc tại Google ở các bộ phận Gmail và Google Reader. Anh còn có bằng Cử nhân khoa học chuyên ngành Quản trị khoa học và kĩ thuật từ Stanford.

Trong khi đó, Mike Krieger sinh tại Brazil rồi chuyển tới Mỹ theo học Stanford, nơi anh gặp gỡ Systrom và viết luận án về tác động của giao diện người dùng theo quy mô lớn. Anh thực tập tại Microsoft và làm việc tại hãng phát triển ứng dụng nhắn tin Meebo sau khi tốt nghiệp.

Cặp đôi luôn phải theo sát khi lượng người dùng tăng không ngừng. 25.000 người dùng gia nhập Instagram trong 24 tiếng đầu tiên. Năm đầu ra mắt ứng dụng có 10 triệu người dùng và hơn 150 triệu ảnh được tải. Người nổi tiếng cũng không nằm ngoài xu thế chung. Nam ca sĩ tuổi “teen” Justin Bieber tham gia vào tháng 7/2011. Cuối năm 2011, Instagram được Apple xướng tên “Ứng dụng iPhone của năm”.

Facebook nhanh chóng tới gõ cửa. Ngày 3/4/2012, ứng dụng Instagram dành cho Android được phát hành và đạt 1 triệu lượt tải trong 24 tiếng. Ngày 9/4, Facebook tuyên bố mua lại ứng dụng sau 48 tiếng thương thảo với giá trị ước đạt 1 tỉ USD. Kể từ đó, Instagram bổ sung tính năng quay video, ra mắt trong 25 ngôn ngữ và tiếp tục phát triển vững vàng khi có thêm nhiều chính trị gia, tổ chức đăng kí tài khoản và chia sẻ hình ảnh.

Antonio Leanza, nhà sáng lập Học viện Nhiếp ảnh Luân Đôn, cho rằng Instagram đã giúp phổ cập hóa nhiếp ảnh bằng cách mở ra con đường cho những người trước đây chưa đủ khả năng theo học.

“Khi mới học chụp ảnh, nó vô cùng khó khăn vì rất đắt đỏ. Máy ảnh đắt, thực hành cũng đắt và không được đào tạo. Các bằng cử nhân nhiếp ảnh chỉ xuất hiện vào những năm 1970”, ông trả lời tờ The Telegraph. “Bọn trẻ ở tầng lớp lao động rất khó để theo học. Hiện tại, nhiều người có thể trở thành nhiếp ảnh gia… Đó là một điều thực tuyệt vời”.

Chỉ trong 3 năm, Instagram đã biến thành ứng dụng được hơn 150 triệu người yêu mến và đang thay đổi bộ mặt của nhiếp ảnh. Nó sẽ đi tới đâu trong 3 năm tiếp theo là băn khoăn không của riêng ai.

Theo Du Lam (ICTnews / Telegraph)

Đọc thêm