DN dùng phần mềm bản quyền mới được vào Mỹ

DN dùng phần mềm bản quyền mới được vào Mỹ ảnh 1

Việc sử dụng phần mềm có bản quyền đang được coi là “giấy thông hành” cho doanh nghiệp nội muốn ra biển lớn. (Trong ảnh: Thời gian qua nhiều DN đã bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng phần mềm lậu và bị xử lý). Ảnh: N.Đ

Lý do là việc một doanh nghiệp sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp sẽ giúp cho đối tượng đó đạt được lợi thế về giá, từ đó sẽ tạo ra sự không bình đẳng đối với những đối thủ cạnh tranh đang sử dụng sản phẩm CNTT có bản quyền.

“Nếu không tuân thủ, các đối tượng sau đây có thể bị kiện: Những nhà sản xuất sản phẩm được bán hoặc chào bán tại hai bang (dù là được bán, chào bán riêng rẽ hay được bán, chào bán như là một bộ phận của sản phẩm khác); các bên thứ ba (chẳng hạn những người bán lẻ) bán hoặc chào bán các sản phẩm có khả năng bị coi là sản phẩm vi phạm tại Washington và Louisiana”, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc bộ phận Sở hữu trí tuệ của Công ty Tư vấn Luật Baker & McKenzie khuyến cáo.

Cũng theo ông Hùng, các doanh nghiệp sẽ bị chính những đối thủ có mặt hàng cạnh tranh có trụ sở ở bất kỳ nơi nào trên thế giới hoặc Chưởng lý (người phụ trách vấn đề pháp lý) của các bang khởi kiện. Và nếu không thể chứng minh được mình sử dụng phần mềm, phần cứng hợp pháp, hoặc không chấm dứt việc sử dụng CNTT trái pháp luật trong vòng 90 ngày sau khi nhận được thông báo thì có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại, bị tịch thu hàng hóa và quan trọng hơn là xếp trong “danh sách đen” bị cấm vào thị trường Mỹ.

Đáng chú ý, cũng theo thông tin từ Baker & McKenzie, thì ngoài Washington và Louisiana thì hiện ở Mỹ cũng có tới 24 bang khác đã tiến hành xây dựng những bộ luật tương tự Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

Theo Bộ Công thương, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các mặt hàng như dệt may, nông sản, thủy sản, điện tử…, xếp trên cả các nước EU, ASEAN, Nhật Bản hay Trung Quốc… Và theo nhận định của các chuyên gia, việc các bang của Mỹ tung ra Bộ luật nói trên đang gây ra một tác động mạnh đến cơ hội kinh doanh của nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam do thực trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam (đặc biệt là trong khối doanh nghiệp) vẫn còn “ngất ngưởng” ở mức 80 – 85% theo như đánh giá của một số tổ chức.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Gia Phong – Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam nhấn mạnh: Như năm 2010, qua kiểm tra bản quyền tại 60 doanh nghiệp ở Việt Nam thì chỉ có 2 doanh nghiệp không vi phạm. Đáng chú ý, có những doanh nghiệp ứng dụng giải pháp Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP bản quyền giá trị tiền tỷ nhưng họ lại sử dụng cả phần mềm ứng dụng văn phòng Microsoft Office, phần mềm diệt virus, từ điển Lạc Việt… không có bản quyền, và như vậy chắc chắn vẫn bị đánh giá là sử dụng phần mềm trái phép, cũng thuộc đối tượng khó vào thị trường Mỹ.

Trước thực tế này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI khuyến cáo: Không chỉ tại Mỹ mà đặt trong thực tế nhiều quốc gia đang ngày càng đề cao việc sử dụng phần cứng, phần mềm bản quyền, luôn thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy ước quốc tế thì các doanh nghiệp Việt Nam nếu không tuân thủ hoặc sớm cải thiện thực trạng sẽ dần mất đi tính cạnh tranh trên các thị trường lớn. Có nghĩa, tương lai sẽ không chỉ là khó vào Mỹ mà còn khó vào nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, các nước Châu Âu…

Chính vì vậy, nhận định của các chuyên gia tại hội thảo nêu trên cho rằng đặt trong thực tế hiện nay, sớm muộn các doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi nhận thức để chuyển sang sử dụng phần mềm có bản quyền nếu như muốn mở rộng cơ hội phát triển giao thương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nhiều doanh nghiệp chưa có điều kiện sử dụng phần mềm hợp pháp đang tính tới dùng phần mềm mã nguồn mở hoặc giải pháp thuê phần mềm. “Tuy nhiên, nhiều ứng dụng phần mềm đặc thù mà mã nguồn mở chưa hỗ trợ được, do vậy con đường chủ yếu vẫn là sử dụng phần mềm đóng có bản quyền”, một chuyên gia nhận định.

Theo Nguyên Đức (ICTnews

Đọc thêm