5 ứng dụng nên gỡ ngay lập tức khỏi smartphone

1. Ứng dụng tiết kiệm RAM

Nhiều người thường có thói quen tắt bớt các ứng dụng chạy nền để lấy lại dung lượng RAM bị chiếm dụng, tuy nhiên việc này hoàn toàn không chính xác mà còn khiến máy nhanh hết pin hơn. Bởi lẽ ứng dụng sẽ phải khởi động lại sau mỗi lần tắt, việc này khiến dung lượng pin bị tiêu hao nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, Android cũng sẽ tự động phân bổ dung lượng RAM cho những ứng dụng mà nó cảm thấy cần thiết, do đó việc cài đặt thêm các ứng dụng tiết kiệm RAM của bên thứ ba là việc không nền làm. 

2. Clean Master (hoặc các ứng dụng làm sạch file rác và có chức năng tương tự)

Clean Master là ứng dụng dọn dẹp phổ biến nhất trên Google Play, được phát triển bởi công ty Trung Quốc Cheetah Mobile. Những tính năng được quảng cáo bao gồm giúp làm sạch tập tin rác, tăng tốc thiết bị, chống virus, làm mát CPU… và nhiều hơn thế nữa. Tuy nhiên, cái mà người dùng nhận được sẽ là quảng cáo bên trong ứng dụng và trên màn hình khóa. Thậm chí khi bạn sử dụng tính năng Safe Browsing (duyệt web an toàn), ứng dụng còn tải quảng cáo nhiều hơn, bao gồm cả video, các trang web khiêu dâm và cờ bạc.

Nếu muốn dọn dẹp các tập tin rác, người dùng chỉ cần vào Settings (cài đặt) > Storage (lưu trữ) > Cached data (dữ liệu đã lưu vào bộ nhớ cache) > OK để xóa toàn bộ dữ liệu tạm cho tất cả ứng dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn xóa riêng lẻ từng ứng dụng bằng cách vào Settings (cài đặt) > Apps (ứng dụng) > Downloaded (đã tải xuống), chọn ứng dụng cần xóa rồi nhấn Clear Cache (xóa bộ nhớ cache). Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.

3. Ứng dụng chống virus

Theo báo cáo mới nhất của AV-Comparatives, hơn một nửa ứng dụng bảo mật trên Google Play không hề có tác dụng ngăn chặn phần mềm độc hại. 

Cụ thể, AV-Comparatives đã kiểm tra và đánh giá hơn 200 ứng dụng bảo mật trên Android. Kết quả cho thấy 84 ứng dụng trên tổng số đã phát hiện sai phần mềm độc hại, ngoài ra có 79 ứng dụng phát hiện được ít hơn 30% các mẫu phần mềm độc hại và có tỉ lệ sai nhiều. Đây là điều khó chấp nhận khi các ứng dụng bảo mật lại phát hiện sai.

Ứng dụng chống virus trên Android chỉ được gọi là hữu ích khi bạn tải về các tập tin cài đặt dưới dạng APK (bên ngoài Google Play), còn việc ngăn chặn hoàn toàn phần mềm độc hại trên smartphone thì hiện giờ vẫn chưa có.

4. Các ứng dụng tiết kiệm pin

Trớ trêu thay, các ứng dụng giúp tiết kiệm pin trên smartphone thường sẽ khiến điện thoại hết pin nhanh hơn. Để tăng tuổi thọ pin trên smartphone, bạn cần giảm bớt việc sử dụng các phần mềm không cần thiết bằng cách vào Settings (cài đặt) > Battery (pin), tìm các ứng dụng có mức tiêu thụ pin nhiều và tắt chúng, đồng thời khởi động lại thiết bị sau vài ngày sử dụng.

5. Các ứng dụng được nhà sản xuất cài mặc định

Thuật ngữ bloatware dùng để chỉ các ứng dụng được nhà sản xuất cài sẵn lên thiết bị trước khi xuất xưởng. Đa số ứng dụng này thường không có nhiều chức năng ngoài việc làm tốn dung lượng lưu trữ.

Đầu tiên, bạn hãy tải và cài đặt ứng dụng System App Remover tại địa chỉ http://bit.ly/2IIwRnT, yêu cầu thiết bị đã root trước đó. Những ứng dụng có ghi chú Could remove đồng nghĩa với việc bạn có thể gỡ bỏ. Ngược lại, bạn hãy hạn chế tác động lên các ứng dụng có ghi chú Key module hoặc Should keep. Cuối cùng, bạn chỉ cần đánh dấu chọn vào các ứng dụng thừa rồi nhấn Uninstall để gỡ bỏ khỏi hệ thống.

Lưu ý, đối với các thiết bị chưa root, bạn có thể tải về phần mềm Debloater tại địa chỉ http://bit.ly/2IGqMIu, tương thích Windows và Mac.

Hy vọng với những mẹo nhỏ mà Kynguyenso.plo.vn vừa giới thiệu bên trên, bạn đọc có thể giúp smartphone hoạt động nhanh và tiết kiệm pin hơn.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm