5 điều lưu ý khi mua máy ảnh số ống kính rời

Dưới đây là một số lưu ý cho người đang chọn máy ảnh số ống kính rời để tránh choáng ngợp với hàng loạt tên tuổi, lời quảng cáo công nghệ mới nhất với những thuật ngữ khó hiểu.

Lựa chọn tên tuổi

Câu hỏi đầu tiên của người muốn nâng cấp lên DSLR bao giờ cũng là nên chọn máy của hãng nào. Trước tiên, cần lưu ý là máy nào đi với phụ kiện đó, ví như phụ kiện Canon thì không thể lắp lên máy Nikon được và ngược lại. Vì vậy, khi chọn mua máy ảnh của hãng nào, bạn còn phải tính xem các nhu cầu sẽ nảy sinh trong tương lai, như mua thêm đèn, thêm ống kính. Thông thường, một nhà nhiếp ảnh bao giờ cũng tiêu tốn tài chính vào phụ kiện máy ảnh hơn chính bản thân cái máy. Vì thế, trước khi chính thức chọn hãng nào, bạn nên xác định trước nhu cầu của mình hay chụp gì nhất, từ đó so sánh giá cả và cấu hình của từng máy ảnh của từng hãng phù hợp với nhu cầu của mình để có được sự lựa chọn hợp lý.

Ổn định hình ảnh (chống rung)

Olympus ứng dụng công nghệ chống rung bằng cảm biến. Ảnh: Finalsense.
Olympus ứng dụng công nghệ chống rung bằng cảm biến. Ảnh: Finalsense.

Các hãng như Sony và Olympus ứng dụng công nghệ chống rung bằng cảm biến, trong khi Canon và Nikon lựa chọn chống rung bằng ống kính. Công nghệ của hai hãng đầu tiên giúp bạn có thể lắp bất cứ ống kính tương thích nào vào máy bạn cũng đều không mất đi tính năng chống rung hình ảnh. Trong khi đó, với lựa chọn của Ni-Ca, bạn phải mua ống kính có tính năng chống rung thay vì ống kính thường. Điều đáng mừng là các ống kính chống rung đang ngày càng rẻ dần, dù rằng các ống kính chống rung cao cấp (như ống L của Canon) giá vẫn còn ngất ngưởng.

Mặc dù có nhiều tay chơi khẳng định, chống rung bằng ống kính cho hình ảnh ổn định hơn chống rung bằng cảm biến, nhưng tựu trung lại thì chính cách bạn cầm máy chắc chắn mới có thể khiến cho bức ảnh không bị nhòe. Và khi chụp với tốc độ chậm hơn 1/8 giây, tốt nhất nên kiếm một chân máy dù máy của bạn áp dụng công nghệ chống rung bằng gì đi nữa.

Chức năng quay video

Canon EOS 5D Mark II quay video HD. Ảnh: Newphotoguide.
Canon EOS 5D Mark II quay video HD. Ảnh: Newphotoguide.

Trước đây, chỉ có các máy ngắm là chụp mới có chức năng quay video, nhưng giờ đây mọi thứ đều thay đổi kể từ khi Nikon giới thiệu chiếc D90 còn Canon thì ra mắt EOS 5D Mark II và 500D. Những người sở hữu DSLR cũng không còn cảm thấy bất tiện khi đứng cạnh các tay cầm máy "point and shot" vừa quay phim vừa chụp ảnh nữa. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng các file video của các máy này do đều là video chất lượng cao, nên để xử lý được đòi hỏi bạn phải có máy tính rất mạnh. Vì thế, nên lựa chọn một giải pháp đơn giản hơn là không chỉnh sửa gì hết mà cắm thẳng vào màn hình HD để thưởng thức video của máy DSLR.

Các máy bán chuyên có đáng lưu tâm?

Panasonic FZ18 - máy ảnh siêu zoom. Ảnh: Dpreview.
Panasonic FZ18 - máy ảnh siêu zoom. Ảnh: Dpreview.

Các máy ảnh bán chuyên thường được coi là cầu nối giữa máy bình dân và DSLR. Tuy nhiên, các máy bán chuyên không có được sự linh hoạt trong việc thay thế ống kính, do đó các chúng thường tích hợp các dải zoom rất dài. Gần đây nhất là đã lên tới 26x. Tuy nhiên, những tay máy yêu cầu chất lượng ảnh là trên hết, thì DSLR vẫn là lựa chọn hàng đầu bởi lẽ nó có cảm biến kích cỡ lớn hơn các máy bán chuyên nhiều, dẫn tới chất lượng hình ảnh tốt hơn, nhất là trong các điều kiện ánh sáng yếu phải chụp ở ISO cao.

Năm ngoái, Olympus và Panasonic đã giới thiệu hệ thống DSLR Four Thirds với kích thước nhỏ gọn. Nếu bạn dư dả tài chính và muốn thử công nghệ mới thì có thể thử nghiệm chất lượng của định dạng mới này.

Túi máy ảnh

Một mẫu túi máy ảnh đơn giản. Ảnh: Letsgodigital.
Một mẫu túi máy ảnh đơn giản. Ảnh: Letsgodigital.

Sau khi đã tiêu tốn khá tiền vào máy ảnh, giờ là lúc bạn nên nghĩ tới các biện pháp bảo vệ nó. Hãy đầu tư một chiếc túi chắc chắn khi đi chụp ảnh, nhưng cũng phải lưu ý là làm sao chọn loại mang lại cảm giác thoải mái kể cả khi phải mang vác một thời gian dài. Túi đeo vai phù hợp cho những người muốn lấy máy ra nhanh để chụp ảnh, như phóng viên, trong khi đó ba lô lại phù hợp cho những chuyến dã ngoại hay chụp phong cảnh đường xa.

Mua sắm chiếc máy DSLR đầu tiên dễ hay khó tùy thuộc vào mức độ chuẩn bị thông tin của bạn kỹ càng đến đâu. Kể cả khi đã cầm máy trên tay, hãy thử xem bạn thích kiểu tay cầm của hãng nào, đời nào nhất. Hãy cố tỏ ra thân thiết với người bán hàng, bởi đôi khi bạn cũng có thể gặp được những tay chơi thực thụ và họ có thể tư vấn cho bạn cách mua cũng như cách chụp ảnh, và biết đâu bạn còn được cả giảm giá nữa.

Theo Sohoa.net (Cnet)

Đọc thêm