5 cách giảm nhiệt độ máy tính

Hôm nay, Kynguyenso.plo.vn sẽ giới thiệu với bạn đọc 2 cách kiểm tra nhiệt độ trên máy tính và những giải pháp để hạn chế tình trạng quá nhiệt.

1. Open Hardware Monitor

Đầu tiên, bạn hãy tải về phần mềm Open Hardware Monitor tại địa chỉ http://openhardwaremonitor.org/downloads/, tương thích với các thiết bị chạy Windows. Giao diện chính của ứng dụng sẽ hiển thị toàn bộ thông tin về nhiệt độ và các phần khác liên quan đến CPU. 

2. Core Temp

Core Temp là một ứng dụng đơn giản, có thể chạy ngầm trên hệ thống để giám sát nhiệt độ của CPU. Tất nhiên, nó sẽ không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên và đi kèm với một vài lựa chọn để tùy biến.

Đầu tiên, bạn tải và cài đặt phần mềm Core Temp cho máy tính tại địa chỉ http://www.alcpu.com/CoreTemp/, tương thích với các thiết bị chạy Windows XP hoặc cao hơn. Trong quá trình cài đặt, hãy chắc chắn rằng bạn đã loại bỏ các công cụ không cần thiết đi kèm với phần mềm. 

Khi khởi chạy, phần mềm sẽ tự động phát hiện CPU và hiển thị model, nhiệt độ các lõi tương ứng. Để thay đổi một số thiết lập, bạn hãy nhấp vào tùy chọn Options > Settings > Display. Tại đây, người dùng có thể thay đổi màu sắc nhiệt độ theo ý muốn. 

Khi thu gọn chương trình, Core Temp sẽ chạy ngầm và hiển thị ở góc phải đồng hồ, ở đó bạn sẽ theo dõi được nhiệt độ CPU theo thời gian thực. 

3. Cách hạ nhiệt máy tính

- Nâng cấp quạt tản nhiệt: Fan (hay còn gọi là quạt tản nhiệt) sẽ giúp điều hòa các luồng không khí và làm mát hệ thống máy tính. Thông thường quạt tản nhiệt đi kèm thùng máy hoặc CPU thường có chất lượng tương đối kém, giá thành rẻ và hiệu suất hoạt động không cao. Do đó nếu có điều kiện, người dùng nên thay thế quạt tản nhiệt cho CPU, thùng máy để giảm nhiệt và giúp không khí lưu thông tốt hơn. 

- Làm gọn dây cắm: Không khí sẽ bị cản trở nếu thùng máy chứa quá nhiều thiết bị hoặc dây cắm được gắn lung tung. Điều này đồng nghĩa với việc máy tính sẽ dễ bị nóng lên và quạt phải làm việc hết công suất, gây ra tiếng ồn khó chịu. Để hạn chế tình trạng trên, người dùng nên làm gọn mọi thứ trong thùng máy, đặt thiết bị ở khu vực thoáng mát. Thêm vào đó, không khí mát sẽ được hút vô từ mặt trước và xả hơi nóng ra phía sau, do đó bạn không nên đặt thùng máy quá sát tường khiến không khí nóng không thể thoát ra ngoài.

-Vệ sinh máy tính: Bụi chính là nguyên nhân khiến máy tính nóng lên, làm giảm hiệu suất và gây ra tiếng ồn. Do đó sau một thời gian dài sử dụng, người dùng nên gỡ thùng máy và làm sạch các thành phần bằng chiếc cọ nhỏ, bình xịt khí nén hoặc quạt, tránh sử dụng nước và các dung dịch lau chùi.

- Tắt bớt các tiến trình không cần thiết: Khi máy tính quá nóng, quạt tản nhiệt sẽ phát ra tiếng kêu ù ù và quay nhanh hơn so với bình thường. Để giải quyết vấn đề trên, bạn hãy nhấn tổ hợp phím Ctrl + Alt + Delete để mở Task Manager (Windows), tương tự nếu đang sử dụng macOS, người dùng chỉ cần nhấn cmd + Space, gõ từ khóa activity monitor. Tiếp theo, bạn hãy tìm các tiến trình đang chiếm dụng nhiều RAM và CPU, sau đó nhấn End Process để loại bỏ.

Ngoài ra, người dùng cũng nên vô hiệu hóa bớt các phần mềm khởi động cùng hệ thống bằng cách mở Task Manager và chuyển sang thẻ Startup. Đối với macOS, bạn vào System Preferences > Users & Groups > Login Items.

- Tắt bớt các thiết bị ngoại vi: Các thiết bị ngoại vi đôi khi cũng chính là nguyên nhân khiến hệ thống hoạt động quá tải. Trong phần Device Manager, bạn hãy tìm đến mục Universal Serial Bus controllers và vô hiệu hóa mục Root Hub USB (tức là các thiết bị ngoại vi kết nối thông qua cổng USB).

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm