Trẻ em thành phố dùng điện thoại, tablet từ 30 phút đến 2 giờ mỗi ngày

Trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng... từ rất sớm.

Trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng... từ rất sớm.

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM và Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion vừa công bố báo cáo kết quả dự án khảo sát xã hội về "Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh". Đây là khảo sát xã hội đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực này và được đánh giá là có ý nghĩa lớn trong việc góp phần mang lại những thông tin hữu ích cho những bậc cha mẹ - về một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất khi nuôi dạy con cái.

Theo kết quả nghiên cứu này, trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng... từ rất sớm. Cụ thể, lứa tuổi dưới 3 tuổi chiếm đến 19%, lứa tuổi từ 3 - 5 tuổi chiếm 59% trong nhóm trẻ được khảo sát. Kết quả này cũng cho thấy thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý (4-7% vào các ngày nghỉ, lễ, Tết). Kết quả khảo sát chỉ ra rằng phần lớn phụ huynh tỏ ra rất lạc quan với những lợi ích tích cực mà thiết bị thông minh mang lại cho con em mình, xem đây là phương tiện giúp trẻ thông minh, nhanh nhạy, có vốn kiến thức rộng hơn, học tập và vui chơi thuận tiện, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy đại đa số phụ huynh Việt Nam đang bị động trong việc cho con em tiếp cận và sử dụng các thiết bị này. Họ hoàn toàn lúng túng trước việc phân định hiệu quả tích cực hay nguy cơ tiêu cực với con em mình.

Vì vậy, bên cạnh các lợi điểm, phần lớn phụ huynh cho biết con em mình có nguy cơ xao nhãng việc học tập, dễ bị ảnh hưởng bởi những xu hướng không lành mạnh, có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân, dễ rơi vào trạng thái phụ thuộc và nghiện, suy giảm khả năng tưởng tượng...

Thậm chí, nhiều phụ huynh còn có khuynh hướng dùng thiết bị này để "giữ trẻ" thay mình. Không có thông tin và kiến thức rõ ràng về lợi ích và tác hại của lĩnh vực sản phẩm này đến con em mình khiến cho phụ huynh hoàn toàn hoang mang, không có định hướng và giải pháp để giúp trẻ sử dụng thiết bị thông minh một cách đúng đắn và hữu ích... Đây chính là những nội dung đáng lưu ý nhất từ kết quả của khảo sát xã hội này.

Bà Trần Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu của Công ty Epinion, cho biết: "Các khảo sát, nghiên cứu về đời sống xã hội ở Việt Nam vẫn còn khá hiếm hoi nên hầu hết dự án chúng tôi đã tiến hành đều cho những đáp án hết sức bất ngờ về tâm lý xã hội và nhu cầu của người Việt trong đời sống hiện đại. "Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh" được tiến hành bởi chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng thiết bị thông minh trong các gia đình. Đồng thời, chúng tôi muốn cung cấp cho xã hội góc nhìn thực tế, cập nhật về cách các bậc cha mẹ Việt Nam đang nuôi dạy và đầu tư cho thế hệ tương lai. Qua đó, có thể đưa đến những thông tin, kiến nghị, cảnh báo hữu ích".

TS. Nguyễn Đức Lộc, Phó trưởng Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn, phản biện dự án chia sẻ: “Cuộc khảo sát không chỉ thăm dò nhận thức của phụ huynh về việc trẻ em sử dụng thiết bị kỹ thuật số thông minh, mà còn thông qua những quan sát của phụ huynh về hành vi của trẻ mà phát hiện ra những xu hướng tác động của thiết bị đối với trẻ theo chiều hướng tiêu cực lẫn tích cực. Theo tôi, kết quả khảo sát này mang một ý nghĩa thực tiễn cao trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay”.

"Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh" được phối hợp tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Giáo dục & Đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM  và Công ty Nghiên cứu thị trường Epinion. Khảo sát được tiến hành trong tháng 10/2014 thông qua các công cụ trực tuyến, có với sự tham gia của 1.051 đáp viên là cha mẹ của 1.802 trẻ từ 3 - 12 tuổi đang sinh sống tại 4 thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Theo TK (ICTnews)

Đọc thêm