Tiết kiệm cước điện thoại khi ngao du nước ngoài

Trong thời buổi kết nối liên tục này, người ta sẽ khó lòng mà chịu nổi tình trạng không thể sử dụng điện thoại di động quá lâu. Và đó là nỗi ám ảnh nếu không kinh hoàng thì cũng nặng nề mỗi khi người ta đi ra nước ngoài. Những ai sử dụng roaming (chuyển vùng) quốc tế ắt biết thế nào là những lưỡi dao bén như dao mổ của các nhà mạng.

Nỗi kinh hoàng roaming quốc tế

Cho dù đã quá quen và tự lường trước được số phận của mình, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác xót xa và không thoải mái khi nhận email báo cước dịch vụ di động MobiFone tháng 4-2016. Trong tháng đó, tôi có một tuần ở Mỹ. Tôi đã mua sử dụng SIM của mạng di động T-Mobile (Mỹ) cho các liên lạc nội địa nước Mỹ và chỉ dùng dịch vụ roaming quốc tế của MobiFone để giữ liên lạc. Và tôi đã “thành công” khi chỉ nhận hai cuộc gọi từ Việt Nam và gọi một cuộc về Việt Nam.

Vậy mà cước tháng 4-2016 của tôi cũng vọt lên tới hơn 540.000 đồng so với cao lắm cũng chỉ 200.000 đồng mọi tháng. Vì thế, tôi đã phải tới một trung tâm dịch vụ của MobiFone để làm thủ tục (khá là phức tạp vì bảo mật) để được cung cấp chi tiết các cuộc gọi, nhắn tin trong tháng. Trong bản chi tiết roaming quốc tế khi tôi ở Mỹ, cuộc gọi đến từ Việt Nam dài nhất là 85 giây có cước tổng cộng 41.781 đồng. Còn cuộc gọi đi từ Mỹ về Việt Nam cùng nhà mạng dài 80 giây đã “chém” của tôi 246.981 đồng. Trong khi đó ở trong nước, cước một cuộc gọi cùng mạng dài 84 giây là 1.120 đồng. Thú thật tôi không còn dám so sánh coi cước roaming quốc tế cao gấp bao nhiêu lần cước trong nước.

Chính vì giá cước trên “chín tầng mây xanh” mà số đông thuê bao sợ roaming cho dù ngày nay việc đăng ký sử dụng cực kỳ đơn giản và không cần phải đóng tiền thế chân (tới 5 triệu đồng) như trước kia. Nhà mạng Việt Nam cũng đã bỏ tính cước nhận tin nhắn đối với các tin nhắn SMS từ Việt Nam gửi tới số máy roaming. Trước đây, khi một người ở Việt Nam nhắn tin cho số máy đang roaming ở nước ngoài, người gửi chỉ phải trả cước như nhắn tin trong nước, còn người nhận sẽ phải chịu khoản cước ở nước ngoài cao phát run rẩy. Nếu không miễn phí như vậy, bà con sẽ càng thêm lòng “hận” những tin nhắn rác quảng cáo.

Gánh nặng về chi phí điện thoại luôn đe dọa những người thích đi du lịch. Ảnh: INTERNET

Chọn mạng mà “a lô”

Có lẽ giải pháp duy nhất khi muốn duy trì thông tin liên lạc trong thời gian ngao du ở nước ngoài là chọn mua SIM trả trước của một nhà mạng thích hợp ở nước sở tại. Nên dùng loại SIM 3G/4G có kết hợp data để có thể truy cập Internet. Lưu ý là tham khảo bạn bè, hỏi thăm người bản xứ hay tìm hiểu trước trên Internet để chọn nhà mạng hỗ trợ tốt nhất. Không phải nhà mạng nào cũng hỗ trợ giống nhau. Thông thường thì nhiều nước bán các loại SIM cho du khách ngay tại sân bay, thậm chí có một số nước không cho bán loại SIM này ở ngoài sân bay quốc tế.

Riêng ở Mỹ, nếu không mua SIM trả trước được, bạn có thể mua một chiếc smartphone có tích hợp sẵn SIM được bán ở nhiều nơi như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với giá dễ chịu. Bạn nên nhờ nơi bán kích hoạt luôn cho mình. Thường thì trong số tiền mua máy có bao gồm giá trị tài khoản ban đầu. Sau khi xài hết, bạn chỉ việc mua thẻ nạp thêm tiền. Với loại SIM và smartphone này, bạn gọi, nhắn tin và lên Internet với giá cước nội hạt giống mọi người ở Mỹ. Còn nếu muốn gọi về Việt Nam, bạn phải mua dịch vụ trọn gói của một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào đó để sử dụng với SIM hay smartphone mà mình đã mua.

Trong trường hợp vẫn phải duy trì số điện thoại riêng của mình, bạn không còn lối thoát nào hơn là sử dụng tiện ích roaming quốc tế. Ngoài tắt hết việc dùng dữ liệu kết nối Internet, bạn chỉ dùng số máy này để nhận các tin nhắn SMS rồi tùy thực tế mà xử lý. Ở hầu hết các mạng bây giờ, số điện thoại gọi tới sẽ được hiển thị đầy đủ để bạn biết ai đang gọi mình rồi tùy nghi mà xử lý. Còn với các mạng roaming mà không hiển thị số phone gọi đến, chỉ còn biết chia buồn cùng bạn.

Thì đó, làm người giang hồ lãng tử trong thời kết nối cũng hao tâm khổ tứ, tốn tiền lắm. Chỉ còn biết hy vọng Cộng đồng ASEAN sẽ sớm được như Cộng đồng châu Âu liên thông viễn thông với nhau để đi tới đâu trong 10 nước Đông Nam Á cũng chỉ trả cước viễn thông như ở nhà.

Tránh sử dụng kết nối Internet

Cho dù roaming hay mua SIM bản xứ, bạn không nên mở xem video trên YouTube hay các trang mạng, bởi nó ngốn data như rồng hút nước. Với Facebook, bạn nhớ tắt tính năng tự động chạy video được post lên mạng truyền thông xã hội này. Bạn cũng tránh mở lớn các ảnh coi cho đã vì cũng làm hao data. Ngay cả việc mở Google Maps hay các ứng dụng dẫn đường cũng sẽ khiến bạn mất nhiều dung lượng data.

Đọc thêm