Tại sao đèn flash bị cấm dùng trong viện bảo tàng

Rất nhiều bào tàng, phòng tranh luôn treo biển cấm quay phim, chụp ảnh với đèn flash, hoặc thậm chí là cấm luôn quay phim, chụp ảnh. Lý do thường được đưa ra là ánh đèn flash quá mạnh có thể sẽ làm hỏng các tác phẩm nghệ thuật quý giá ở đây.

Để đi tìm câu trả lời cho việc tại sao các phòng tranh, bảo tàng lại có lệnh cấm đoán như vậy, và liệu sự thực đèn flash có làm tổn hại tới các tác phẩm nghệ thuật này không, phóng viên Steve Meltzer của tạp chí Imaging Resource đã tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác nhau và cuối cùng là một bài viết khá chi tiết của tác giả Martin H. Evans về việc những tác hại của đèn flash tới các phòng tranh với rất nhiều tài liệu tham khảo quý giá.

Dưới đây là một số kết quả thu được.

Tại sao đèn flash bị cấm dùng trong viện bảo tàng ảnh 1

Thực tế, hầu hết đèn flash tích hợp trên máy ảnh đều được trang bị lớp kính chắn UV vốn được coi là nguyên nhân của mối nguy làm hỏng tư liệu tại bảo tàng.

Bài báo viết rằng hàng thập kỷ nay, người ta tin rằng ánh sáng cường độ mạnh của đèn flash trên máy ảnh có thể làm hỏng các tài liệu cũng như các tác phẩm nghệ thuật. Do sự lo ngại về cường độ ánh sáng mạnh cũng như năng lượng tia cực tím (UV) của đèn flash nên những nhà quản lý tại các bảo tàng, phòng tranh đã có một đề xuất chung rằng tốt nhất không nên cho phép chụp ảnh với đèn flash ở trong các phòng tranh hoặc viện bảo tàng.

Đề xuất này bắt nguồn từ một nghiên cứu thực nghiệm do Bảo tàng Quốc gia London (Anh) thực hiện năm 1995. Nghiên cứu này cho thấy việc chớp đèn flash liên tục có thể thay đổi màu sắc trên những mực màu được thí nghiệm. Kết quả này chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lệnh cấm chụp ảnh với đèn flash ở trên. Nhưng khi nhìn sâu hơn vào quá trình thí nghiệm, bài báo thấy rằng có nhiều thông số khác biệt đã không được bộc lộ hết.

Theo đó, trong thí nghiệm này, hai đèn flash công suất lớn được sử dụng. Một đèn được bỏ lớp kính lọc chặn UV để có được mức năng lượng UV cao nhất, còn một đèn để nguyên. Các đèn được đặt cách các tấm vải nhuộm màu khoảng 1m. Một tấm nhuộm tương tự được đặt trong điều kiện ánh sáng tiêu chuẩn của một phòng tranh thông thường để so sánh. Trong thời gian khoảng vài tháng, 2 đèn flash được chớp 7 giây mỗi lần liên tục.

Sau khoảng hơn 1 triệu lần chớp đèn, lớp thuốc nhuộm và vải màu ở thí nghiệm đèn flash không chắn UV cho thấy bị phai một chút, và có thể nhận thấy bằng mắt thường ở một số vùng. Các vùng này ở thí nghiệm đèn flash được chắn kính UV cho thấy không có sự khác biệt nếu nhìn bằng mắt thường, nhưng vẫn có một chút khi được đo được bằng máy. Một điều thú vị là những thay đổi ở tấm nhuộm trên thí nghiệm đèn flash có kính chắn UV này cũng tương tự như những thay đổi ở tấm nhuộm được đặt trong điều kiện ánh sáng tiêu chuẩn để so sánh. Nhưng vấn đề là chỉ cần thấy rằng lớp màu nhuộm có thay đổi do ánh sáng flash là đủ để cho Bảo tàng Quốc gia kết luận rằng việc dùng đèn flash là nguy hại cho các tác phẩm nghệ thuật.

Bài báo cho thấy những thay đổi trên phần lớn tấm nhuộm dưới thí nghiệm đèn flash có kính chắn UV không nhiều hơn so với thí nghiệm trong điều kiện ánh sáng thông thường của phòng tranh cả. Và trong thực tế, hầu hết đèn flash tích hợp trên máy ảnh đều được trang bị lớp kính chắn UV vốn được coi là nguyên nhân của mối nguy này.

Ngoài ra, trong thí nghiệm, hàng triệu chớp đèn được thực hiện từ các đèn công suất lớn, được đặt rất gần tấm nhuộm (1m), trong khi trong thực tế, các đèn flash tí xíu được chớp từ khoảng cách trung bình 4m, thì phải chớp đến hàng tỷ lần mới có thể tác động được một lượng thay đổi rất nhỏ tương tự.

Nhưng nếu vấn đề nguy hại không phải bắt nguồn từ đèn flash, nó sẽ nằm ở đâu?

Tại sao đèn flash bị cấm dùng trong viện bảo tàng ảnh 2

Các nhà quản lý phòng tranh, bảo tàng tự nói với nhau vấn đề này hàng năm trời và tự tin vào điều đó.

Một trong những nguyên nhân cơ bản mà bài báo trên chỉ ra là đơn giản, các nhà quản lý, rồi nhà báo, những người yêu nghệ thuật và giám đốc các phòng tranh, viện bảo tàng cứ tự nói với nhau về vấn đề này hàng năm trời, và những người quản lý tiếp tục duy trì câu chuyện này, cho đến khi nó trở thành một niềm tin về về chính những thứ họ vẫn nói.

Bài báo cũng chỉ ra một tình huống nực cười, khi mà những người quản lý bảo tàng đi cấm chụp ảnh những di vật Pharaon thời Ai Cập cổ đại, những di vật đã tồn tại dưới tia UV hay ánh nắng sa mạc gay gắt từ cả hơn 3.000 năm nay với nỗi sợ mơ hồ rằng ánh sáng flash có thể phá hủy nó.

Một nguyên nhân khác là vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, luật bản quyền mỗi nước lại khác nhau và rất khó để có thể diễn giải đúng nghĩa. Trong một số trường hợp, các viện bảo tàng, các phòng tranh đã lợi dụng khái niệm bản quyền để che giấu ý đồ không muốn khách tham quan chụp ảnh.

Có thể có nhiều nguyên nhân các viện bảo tàng, phòng tranh không muốn khách tham quan chụp ảnh đằng sau lý do làm hỏng di vật.

Một trong số đó đã được các nhiếp ảnh gia khác phát hiện, theo lời một bảo vệ bảo tàng, đó là lý do cấm chụp ảnh còn để cho đám đông di chuyển nhanh hơn. Hãy tưởng tượng ở một nơi triển lãm công cộng với hàng dài người xếp hàng chờ, nếu ai cũng chụp ảnh sẽ làm chậm số người mua vé vào xem, từ đó ít người xem được trong ngày hơn, và lợi nhuận theo đó cũng sẽ giảm đi.

Một lý do hết sức thực tế khác, đó là việc bán hàng lưu niệm. Hầu hết các bảo tàng, phòng tranh đều có các khoản lợi nhuận nhất định thu được từ việc bán bưu thiếp, poster hay tranh ảnh khác. Nếu để cho khách tham quan thoải mái chụp ảnh, thì dù ảnh của họ có xấu, chắc chắn họ cũng sẽ thấy thoải mái và ít muốn mua những bức tranh được bán lưu niệm hơn.

Thêm một lý do không kém phần thời thượng được đưa ra hiện nay là không cho chụp ảnh để ngăn chặn nạn khủng bố. Tuy nhiên, các nhà quản lý không hiểu rằng tại sao những tên khủng bố phải chụp ảnh lấy tư liệu khi mà các bản đồ trong các tờ rơi với đầy đủ chi tiết được phát miễn phí và có nhiều thông tin chúng cần thiết hơn nhiều so với việc cầm máy đi chụp.

Tại sao đèn flash bị cấm dùng trong viện bảo tàng ảnh 3

Nhiều người đang tin rằng những di vật đã tồn tại dưới tia UV hay ánh nắng sa mạc gay gắt từ cả hơn 3.000 năm nay vẫn có thể bị phá hủy bởi ánh sáng flash.

Như vậy, theo Imaging Resource, rõ ràng có một tin tốt, là đèn flash khó có thể làm hỏng các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng tin xấu là, dù đã đủ thứ lý do chứng minh, các bào tàng và phòng tranh nghệ thuật vẫn tiếp tục tin vào những gì họ từng tin, và vẫn tiếp tục lệnh cấm chụp ảnh của mình.

Theo Nguyễn Hà (VNE)

Đọc thêm