Nghệ nhân đóng loa đất Hà Thành

Đến với nghề từ năm 1979, ông đã đưa vào các tác phẩm loa không chỉ kỹ năng, sự tính toán chính xác của một thợ mộc mà còn chất lên đó những ưu tư, trải nghiệm của một nhà văn, họa sĩ.

Ông kể, các tay chơi loa đều là những người có tiền nhưng sau khi họ chơi đến "đỉnh" với những loại loa đắt giá của nước ngoài thì lại tìm đến đây. Thùng loa trầm đóng vai trò rất quan trọng trong một hệ thống loa. Ví dụ, có người bỏ tiền mua bộ loa 68.000 USD, trong đó giá trị của "củ loa" - trung tâm điều khiển âm thanh - khoảng 10.000 USD hay bộ 10.000 USD thì "củ" khoảng 2.000 USD, còn lại là giá trị thùng do nghệ nhân đóng bằng tay. Các hãng sản xuất của nước ngoài thì chỉ làm vài bộ đặc biệt cho một dòng sản phẩm để phục vụ người nghe chuyên nghiệp với thiết kế thùng tỉ mỉ, công phu. Do đó, khách thường mang "củ" đến để nhờ bác gióng thùng.

Mỗi củ khác nhau thì thiết kế thùng lại khác và cũng "củ" đó nhưng thiết kế thùng biến đổi lại cho ra một thế giới âm thanh hoàn toàn mới lạ. Người nghệ nhân này cho biết điều quan trọng trong khi chế tạo loa là làm sao cho các đường âm thanh không bị va đập nhau trên hành trình của chúng rồi tụ lại ở một điểm, khiến loa tái tạo âm chính xác của tiếng người, tiếng kèn, đàn piano, guitar... một cách tách biệt, không nhập nhằng.

Một thùng loa trầm có ma trận để âm thanh đi qua khe ngang phía dưới rồi đi ngược lên trên qua lỗ tròn ở đằng sau. Ảnh: Quốc Huy.
Một thùng loa trầm có ma trận để âm thanh đi qua khe ngang phía dưới rồi đi ngược lên trên qua lỗ tròn ở đằng sau. Ảnh: Quốc Huy.

Điều tinh túy nhất trong thiết kế chính là ma trận bên trong. Âm thanh sẽ được dẫn đi qua các vách ngăn bằng gỗ dạng zíc zắc rồi ra "lỗ thông hơi" ở mặt sau là nơi thể hiện âm trầm một cách sâu lắng nhất. Nhưng để đạt đến độ sâu lắng này, người nghệ sĩ phải mất 20 ngày để nghe thử và chỉnh thùng, trong khi quá trình đóng trước đó chỉ khoảng 10 đến 15 ngày. "Nhiều đêm tôi mất ngủ, rồi bật tiếng bass lên đánh sầm một cái là biết hỏng hay thành công", ông Hiên bày tỏ. "Người ta có thể thử bằng nhiều thể loại nhạc khác nhau nhưng rồi cũng phải quay về với nhạc cổ điển. Bộ loa nào truyền tải được sự bao la của nhạc Mozart, Beethoven... thì được coi là đạt".

Loại gỗ sử dụng để đóng thùng là dăm bào ép đưa về từ Mỹ, Đức hay Canada, ông không dùng loại khác vì dăm bào có khả năng chịu đựng thời tiết ẩm ở Việt Nam, không cong vênh, không mối mọt. Sau khi được tiện và lắp ghép bằng keo đặc biệt, chúng tiếp tục nhận lớp phủ bằng sơn loại tốt và lưu giữ màu vàng nguyên bản. "Nhiều người mới đầu không thích màu này và muốn bọc bằng gỗ lạng nhưng gỗ đó chỉ sau một năm là bị bong", nghệ nhân cho biết. "Loa cốt yếu là hay chứ không phải là đẹp, hay là chủ yếu còn đẹp là về sau".

Với tay nghề của một người làm mỹ thuật, bác Hiên có thể đặt lên thùng loa các trang trí đặc biệt bằng sơn mài, gỗ lũa, đưa vào mồm loa kèn màu xanh gỉ đồng và dát vàng 98, 99 lên đó. Nhưng sự tốn kém chỉ dành cho nhà giàu, còn người chơi loa vì yêu âm thanh thì chỉ cần dừng ở mức mộc mạc nhất.

Khi hiểu điều này, các tay chơi loa mới cảm nhận được vẻ đẹp của thùng loa mang chữ ký của ông Hiên "già". Khách của ông đến từ khắp nơi ở Hà Nội, TP HCM, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nam Định... và các cặp loa nặng cả trăm cân ông đóng còn được chu du sang Đức, Mỹ... "Điều vui nhất của tôi là loa đóng xong cho khách thì không bị trao đổi trên thị trường, có nghĩa là họ yêu thích thì họ mới giữ lại để thưởng thức", ông tâm sự.

Anh em chơi loa đều trìu mến gọi người nghệ sĩ này là anh, là bác Hiên "già" và luôn tìm đến xưởng loa ở làng Yên Phụ với chén thơ, bầu rượu. "Những người đến với âm thanh chơi với nhau tốt lắm. Người nào chưa tốt khi tìm đến âm nhạc thì trở nên tốt hơn bởi cốt lõi của thú chơi này là hiểu nhạc chứ không phải so đồ với nhau", nghệ sĩ cho hay. "Nếu không có sợi dây loa giá vài nghìn đô thì cứ chơi bằng dây điện, miễn sao cái tai cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc và thấy tâm hồn mình thánh thiện".

Theo Sohoa.net

Đọc thêm