Máy tính “tí hon” 35 USD cháy hàng chỉ sau vài phút lên kệ

Raspberry Pi là sản phẩm của David Braben, một kỹ sư điện tử người Anh. Các nhà bán lẻ đã không lường trước được nhu cầu của người tiêu dùng đối với chiếc máy tính cá nhân “tí hon” này. Không chỉ được bán hết veo trong một khoảng thời gian cực ngắn mà Raspberry Pi còn là nguyên nhân khiến máy chủ của hai nhà cung cấp sản phẩm này bị nghẽn mạng vì lưu lượng truy cập của khách hàng quá lớn.
Được công bố chính thức vào hồi đầu tháng 1, Raspberry Pi có hai phiên bản nhưng hiện tại, các nhà bán lẻ chỉ cho đặt hàng trước phiên bản giá 35 USD còn được gọi là Model B. Riêng phiên bản Model A sẽ được đưa vào sản xuất đại trà trong vài tuần tới.
Cả Model A và Model B đều được trang bị RAM 256MB nhưng Model B còn có thêm cổng USB và cổng kết nối Ethernet để truy cập Internet. Hai phiên bản Raspberry Pi chạy trên vi xử lý ARM Broadbom BCM2835 tốc độ 200MHz, khe kết nối HDMI để trích xuất hình ảnh ra bên ngoài.

Máy tính “tí hon” 35 USD cháy hàng chỉ sau vài phút lên kệ ảnh 1

Raspberry Pi 35 USD "cháy hàng" chỉ sau vài phút lên kệ
Raspberry Pi hiện chỉ được bán cho người tiêu dùng ở Anh. Ban đầu, hai nhà bán lẻ Premier Farnell và RS Components phân phối sản phẩm này trực tiếp thay vì phải đặt hàng trước. Nhưng hiện tại, những khách hàng nào muốn sở hữu Raspberry Pi được yêu cầu phải điền vào một bản đăng ký mẫu cho phép nhà bán lẻ biết họ quan tâm đến chiếc máy tính này.
Việc Raspberry Pi ngay lập tức “cháy hàng” chỉ sau vài phút được bán ra khiến nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng. Trên website riêng dành cho Raspberry Pi, nhà cung cấp phải đưa ra thông báo rằng “Cả hai website đang xảy ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Khách hàng quốc tế có thể thấy Raspberry Pi không được bán trên lãnh thổ của họ. Xin vui lòng kiên nhẫn và quay lại kiểm tra chỉ sau vài giờ nữa”.
Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai nhà bán lẻ này đã cạn kiệt lượng hàng Raspberry Pi mà họ có.
Tổ chức phi lợi nhuận Raspberry Pi đã tạo ra những chiếc máy tính siêu nhỏ và siêu rẻ này nhằm giúp trẻ em tại các quốc gia nghèo và đang phát triển có điều kiện tiếp xúc với máy tính, thậm chí có thể học được các ngôn ngữ lập trình và có thể tùy biến chiếc máy tính giá rẻ này theo ý muốn. Dự án này tương tự như dự án One Laptop Per Child nhưng mức giá của Raspberry Pi gây chú ý vì rẻ hơn nhiều.
Theo Võ Hiền (Dân trí / PCMag)

Đọc thêm