iPhone chịu thua Android vì 4 tính năng sau

Dù bị đánh giá là kém ổn định, tuy nhiên Android vẫn chiếm đến hơn 90% thị phần smartphone và có nhiều tính năng khiến người dùng iPhone thèm muốn.

1. Thay đổi ứng dụng mặc định

Nếu đang sử dụng smartphone Android, người dùng có thể dễ dàng lựa chọn các ứng dụng yêu thích để mở liên kết, hình ảnh, nhạc, video... Ví dụ, bạn có thể mở liên kết bằng Google Chrome thay vì trình duyệt mặc định để bảo mật và tải trang nhanh hơn. 

Dễ dàng lựa chọn ứng dụng mặc định trên Android. Ảnh: MINH HOÀNG

Nếu muốn thiết lập sẵn các ứng dụng mặc định để nghe nhạc, xem phim, lướt web, chụp ảnh… người dùng chỉ cần vào Settings (cài đặt) > Installed apps (ứng dụng cài đặt) > Defaults (ứng dụng mặc định). Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy thuộc vào thiết bị bạn đang sử dụng.

Trong khi đó, nếu nhấp vào một liên kết hoặc một địa điểm được chia sẻ, iPhone sẽ tự động mở trình duyệt Safari hoặc Apple Maps, không cho phép người dùng lựa chọn các ứng dụng yêu thích của bên thứ ba. 

2. Cấu hình thông báo

Về cơ bản, phần thông báo trên iOS vẫn còn khá lộn xộn, trong khi trên Android những thông báo của cùng một ứng dụng sẽ được thu gọn về một chỗ, người dùng có thể bấm vào biểu tượng mũi tên để xem chi tiết.

Thiết lập ẩn/hiện hoặc ưu tiên thông báo của một ứng dụng bất kỳ. Ảnh: MINH HOÀNG

Thông báo trên Android cũng được thiết kế gọn hơn và ít chiếm không gian, đồng thời người dùng còn có thể đánh dấu ưu tiên cho một ứng dụng bất kỳ để thông báo của nó luôn được hiển thị trên đầu, kể cả khi đã kích hoạt chế độ Do Not Disturb (đừng làm phiền).

3. Ghi âm cuộc gọi

Tính năng ghi âm cuộc gọi thường được trang bị sẵn trên các dòng smartphone Android, khá hữu ích trong trường hợp cần phỏng vấn hoặc lưu lại nội dung đối thoại. 

Nếu smartphone đang sử dụng không hỗ trợ ghi âm, người dùng có thể cài đặt ứng dụng ACR tại địa chỉ https://goo.gl/u0SjJy. Nếu là lần đầu tiên sử dụng, bạn cần phải đồng ý với các điều khoản của chương trình, sau đó chạm vào biểu tượng menu ở góc trên bên trái và chuyển tùy chọn Disabled thành Enabled (đã bật). Tiếp theo, người dùng có thể truy cập vào phần Settings (thiết đặt) để thay đổi ngôn ngữ hiển thị hoặc đặt mật khẩu bảo vệ ứng dụng trong phần General (tổng quan) > Ask for PIN (hỏi mã PIN). 

Ngoài ra, bạn còn có thể thay đổi giao diện, kích hoạt tính năng thông báo… và một số tùy chọn khác khá hữu ích như thùng rác, điều này đồng nghĩa với việc nếu lỡ tay xóa mất tập tin ghi âm, người dùng có thể tìm lại trong thùng rác. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn nơi lưu trữ, tự động xóa tập tin ghi âm sau x ngày, lọc âm thanh, đồng bộ hóa dữ liệu lên các dịch vụ đám mây như Dropbox, Google Drive, One Drive…

Kể từ lúc này, mỗi khi có cuộc gọi đến/đi, tự động ACR sẽ ghi âm lại toàn bộ và hiển thị ngay trên giao diện chính của ứng dụng, bạn có thể nghe lại hoặc chia sẻ với bạn bè chỉ với một cú chạm.

Trong khi đó với iOS, người dùng gần như không thể ghi âm cuộc gọi nếu không trả phí hoặc mua thêm các thiết bị gắn ngoài.

4. Chế độ đa người dùng

Bắt đầu từ Android 5.0 trở lên, Google đã bổ sung thêm chế độ đa người dùng, cho phép bạn tạo tài khoản cho con trẻ, vợ… để mọi người có thể sử dụng chung một thiết bị mà vẫn đảm bảo dữ liệu của nhau tương tự như trên Windows hoặc macOS. Nếu muốn cho người khác mượn máy, bạn có thể chuyển sang chế độ Guest (khách).

Để truy cập vào chế độ đa người dùng, bạn chỉ cần vuốt thanh thông báo xuống hai lần và nhấp vào biểu tượng hình người. Lưu ý, một số nhà sản xuất đã gỡ bỏ chế độ này và thay bằng một giải pháp tương tự với tên gọi riêng. Ví dụ như với Samsung, họ gọi là chế độ này là Private Folder và các tính năng thường không được liền mạch như của Google.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

 

Đọc thêm