Dùng thử laptop "biến hình" với bàn phím trượt của Sony

Có mặt ở thị trường Việt Nam chậm hơn so với Satellite U920t của Toshiba ở dạng máy tính bàn phím trượt có cảm ứng nhưng Sony đã "nhanh chân" hơn khi bán sản phẩm này sớm hơn đối thủ. Đây là hai trong số những model thể hiện rõ nhất xu hướng thiết kế máy tính trong năm nay khi cố gắng kết hợp giữa tablet và laptop truyền thống với bàn phím vật lý, màn hình cảm ứng sau sự ra đời của hệ điều hành Windows 8.

Dùng thử laptop "biến hình" với bàn phím trượt của Sony ảnh 1

Vaio Duo 11 là mẫu máy tính "biến hình" theo trào lưu Windows 8 bán đầu tiên tại Việt Nam.

Thoạt nhìn Duo 11 có kiểu dáng khá giống Satellite U920t nhưng cơ chế trượt của hai máy này là hoàn toàn khác nhau. Trong khi sản phẩm của Sony có một bản lề đỡ phía sau và phía trên nghiêng dần khi trượt thì model của Toshiba phải trượt hết rãnh sau đó mới bẻ dựng lên. Thiết kế của Sony cho cảm giác chắc chắn hơn nhưng cả hai đều gây lo ngại khi phần cáp nối khá mỏng và di chuyển tự do trong quá trình trượt gây ra lo ngại bị đứt hoặc bị chèn bởi các bản lề nếu sử dụng thời gian dài. 

Máy gây ấn tượng với độ mỏng 17,75 mm và cân nặng 1,3 kg, thừa đủ đáp ứng các tiêu chuẩn ultrabook của Intel. Tuy nhiên, khi đóng nắp bàn phím máy và sử dụng như một chiếc máy tính bảng thì cân nặng này vẫn là hơi lớn và khó tạo được sự thoải mái. Ở những thao tác dùng thử nhanh, người dùng nhanh chóng cảm thấy mỏi khi cầm máy trong khoảng 15 đến 20 phút và khi sử dụng lâu sẽ cần đến một mặt phẳng đỡ như chân hay mặt bàn, thành ghế...

Dùng thử laptop "biến hình" với bàn phím trượt của Sony ảnh 2

Cáp nối di chuyển tự do trong quá trình trượt.

Được sự hỗ trợ của Windows 8 và màn hình cảm ứng nhận được tối đa 10 ngón, trải nghiệm vuốt chạm trên máy là rất ấn tượng. Các thao tác phóng to thu nhỏ, gọi thanh Cham Bar của Windows, hệ thống menu của mỗi phần mềm rất nhanh và chính xác. Một ưu điểm dễ nhận thấy là màn hình của Duo 11 đạt độ phân giải chuẩn Full HD 1.920 x 1.080 pixel, vào loại cao nhất hiện nay và hiển thị hình ảnh sắc, không bị hiện tượng răng cưa ở các vết chữ hay hình ảnh khi quan sát kỹ. 

Sony cũng muốn tạo điểm nhấn cho sản phẩm khi tặng kèm bút cảm ứng để viết vẽ thuận tiện. Thử nghiệm nhanh cho thấy máy có thể nhận diện được nét đậm nhạt (tuỳ lực nhấn bút) khá tốt và ít có độ trễ ở phần mềm ngoài giao diện Moderrn UI nhưng chậm hơn một chút khi ở trong môi trường Desktop. Chiếc bút cũng tích hợp hai nút cho phép người dùng vừa nhấn nút để thay thành chức năng xoá khá tiện dụng. Công nghệ mà Sony sử dụng cũng cho phép máy nhận diện được các di chuyển của ngòi bút khi vẫn còn khoảng cách đến màn hình. 

Dùng thử laptop "biến hình" với bàn phím trượt của Sony ảnh 3

Bút viết cảm ứng nhận nét chữ đậm nhạt khá tốt.

Vaio Duo 11 có bàn phím vật lý khi bật lên với kích thước hơi nhỏ và hành trình phím hơi ngắn nên cảm giác gõ ban đầu khá ngượng tay và sẽ cần thời gian làm quen. Tuy nhiên, một điểm thú vị ở sản phẩm này là trackpad quang học đi kèm giúp người dùng chỉ cần vê ngón tay phía trên là có thể điều chỉnh chuột máy tính cùng hai phím bấm phía cần cạnh. Nhưng với màn hình cảm ứng nhạy và khá gần nên nhiều khả năng phần linh kiện này sẽ không được sử dụng quá nhiều. Một điểm cộng khác dành cho bàn phím của Vaio Duo 11 là có đèn nền để hoạt động trong điều kiện thiếu sáng, trang bị thường chỉ dành cho dòng laptop cao cấp cũng như doanh nhân. 

Dù có cấu hình tốt, tiện dụng với cơ chế trượt, màn hình cảm ứng và bàn phím vật lý nhưng giá bán lên tới 30 triệu đồng sẽ khiến Vaio Duo 11 là một sự lựa chọn khó khăn với nhiều người sử dụng tại Việt Nam. 

Theo Tuấn Hưng (VNE)

Đọc thêm