Ổ cứng có tính năng chia sẻ dữ liệu từ xa

Các dịch vụ lưu trữ đám mây công cộng như Google Drive, OneDrive hay Dropbox được ra đời nhằm giúp người dùng có thể lưu dữ liệu từ xa. Tuy nhiên, các dịch vụ này thường bị hạn chế về mặt dung lượng, chưa kể đến các rủi ro bảo mật. Ổ cứng đám mây là một giải pháp trung hòa giữa hiệu năng và giá thành. Dưới đây là một số dòng ổ cứng mà người dùng có thể lựa chọn để sao lưu và quản lý dữ liệu từ xa.

WD My Cloud

WD My Cloud là một giải pháp kèm ổ cứng lưu trữ đơn giản dành cho cá nhân và công ty. Thiết bị có thiết kế nhỏ gọn và giá thành cũng rẻ hơn tương đối nhiều (dao động trong khoảng 3,8-5,8 triệu đồng cho mức dung lượng 1-3 TB).

Ngoài các chức năng ổ cứng thông thường, thiết bị được nhà sản xuất bổ sung thêm một cổng LAN, cho phép người dùng có thể kết nối thiết bị với modem/router Wi-Fi và truy cập dữ liệu trên ổ cứng ở bất cứ đâu có Internet. Việc kết nối WD My Cloud tương đối đơn giản, người dùng chỉ cần cắm dây mạng vào cổng LAN trên thiết bị và modem, sau đó cấp nguồn cho nó là đã có thể sử dụng mà không phải cấu hình gì thêm.

Để truy cập từ xa vào ổ cứng, bạn cần phải tải về ứng dụng WD My Cloud tương ứng cho smartphone (Android, iOS) hoặc máy tính (Windows, Mac) tại địa chỉ http://goo.gl/otnGSr. Nếu muốn sao chép hoặc tải dữ liệu qua lại giữa My Cloud và máy tính, người dùng chỉ cần kéo thả tập tin hoặc thư mục qua lại giữa các cửa sổ.

Nhìn chung thì thiết bị này có chất lượng khá tốt, hỗ trợ đặt mật khẩu, tuy nhiên giao diện phần mềm hơi phức tạp và chưa phù hợp với những gói cước Internet tốc độ thấp.

Người dùng có thể chia sẻ dữ liệu từ xa thông qua các loại ổ cứng di động. Ảnh: INTERNET

Seagate GoFlex Satellite

Cũng tương tự như nhiều sản phẩm khác, GoFlex Satellite hỗ trợ tới hai chuẩn kết nối USB 3.0 và Wi-Fi. Bản thân thiết bị đã là đầu phát Wi-Fi nên bạn có thể sử dụng smartphone hoặc máy tính để truy cập vào dữ liệu trên ổ cứng mà không cần quan tâm là nhà mình có mạng Wi-Fi hay không.

Quá trình thiết bị khởi động cho đến lúc sẵn sàng sử dụng chỉ mất khoảng 30-40 giây. Bên cạnh việc truy cập dữ liệu từ xa thông qua Wi-Fi, người dùng còn có thể vừa load vừa xem video liên tục từ ổ cứng với thời gian sử dụng tối đa là năm tiếng. Sản phẩm này khá phù hợp cho những ai thường hay di chuyển, nhược điểm là thời lượng sử dụng pin hơi thấp.

Lacie Fuel

Mặc dù đã được ra mắt cách đây khoảng một năm, tuy nhiên Lacie Fuel vẫn là một cái tên được rất nhiều người tìm kiếm. Sản phẩm này hoạt động chủ yếu nhờ vào viên pin tích hợp có thời lượng sử dụng liên tục trong vòng 10 tiếng, đi kèm theo đó là cổng USB 3.0 để kết nối với máy tính, hỗ trợ tối đa năm thiết bị truy cập vào dữ liệu trên ổ cứng thông qua Wi-Fi. Hiện tại sản phẩm này đang được chào hàng với mức giá 3,7 triệu đồng cho phiên bản 1 TB.

Lacie Fuel có thiết kế độc đáo và khác hoàn toàn so với những sản phẩm cùng loại, tương thích với tính năng Air Play nên người dùng có thể trình chiếu các nội dung trên ổ cứng lên TV.

Buffalo MiniStation Air

Bên cạnh các tính năng cơ bản, thiết bị này còn tích hợp thêm chế độ Internet Mode, cho phép người dùng vừa có thể sử dụng ổ cứng, vừa có thể vào mạng bình thường. Được trang bị viên pin 2860 mAh cho thời lượng sử dụng liên tục khoảng 4,5 tiếng khi phát Wi-Fi.

Ngoài ra trên thị trường hiện tại vẫn còn rất nhiều dòng ổ cứng di động tích hợp Wi-Fi đến từ các thương hiệu nổi tiếng khác như Seagate, Silicon Power, Kingston và Buffalo.

Theo các báo cáo của Cisco, từ nay đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có thêm 50.000 tỉ thiết bị kết nối Internet. Điều đó có nghĩa là mỗi người sẽ sở hữu tới sáu thiết bị có khả năng kết nối, dẫn tới nhu cầu lưu trữ và chia sẻ dữ liệu ngày càng tăng cao. Do đó, ổ cứng đám mây cá nhân sẽ sớm trở thành xu hướng trong tương lai vì nó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu lưu trữ tập trung, bảo mật và chia sẻ dữ liệu cho khách hàng cũng như các thành viên trong gia đình.

Đọc thêm