Những cái click chuột hại người, hại đời

Đặc thù nặc danh, một mình một cõi và sự lan tỏa nhờ nhiều yếu tố, trong đó có tính miễn phí. Mạng xã hội trở thành chốn vung gươm tá lả của những “anh hùng bàn phím” và những kẻ “giận cá chém thớt”. Những truyền nhân của Tào Tháo nhìn đâu cũng thấy hoài nghi và những phần tử bất mãn xã hội muốn trút những ấm ức, hằn học trong người vào những cú click chuột, những dòng bình luận.

Hệ quả khôn lường

Chẳng cần phải tìm đâu xa và lâu về những cú click chuột tai ương, thậm chí giết người trên mạng xã hội. Cộng đồng online và offline ở Việt Nam, thậm chí ngay tới nghị trường kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII đang nóng lên với trường hợp một cô nữ sinh 15 tuổi chuẩn bị vào lớp 10 ở Đồng Nai phải tự tìm tới cái chết để trốn thoát khỏi những cú chém điên cuồng, vô cảm của những kẻ gọi là “thánh Net”. Sau khi bị cô gái chia tay để tập trung học hành theo lời khuyên của cha mẹ, gã người yêu 22 tuổi đã tung clip video ghi hình hai người đang quan hệ tình dục với nhau lên mạng Facebook. Ngay lập tức video này bị rất nhiều cư dân mạng chia sẻ, phát tán trên Facebook và nhiều trang mạng khác, lôi kéo nhiều kẻ chê cười, thậm chí sỉ nhục, lên án cô gái. Hậu quả là chịu không nổi trước làn sóng “ném đá” này, cô gái đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Tới lúc này, những kẻ đánh hôi online mới hoảng hồn, cố gắng xóa mọi tung tích tội ác.

Gã thanh niên đã bị bắt giữ với hai tội danh rõ ràng “quan hệ tình dục với trẻ em” và “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Nếu có chứng cứ, hắn còn thêm tội gây ra cái chết cho nạn nhân. Chỉ có điều những kẻ tham gia sỉ nhục nạn nhân bằng bàn phím không biết có bị pháp luật xử lý hay không, trong khi chính bọn họ mới là những kẻ dồn nạn nhân tới đường cùng. Tôi không tin rằng hầu hết bọn họ sẽ ăn năn hối hận để không tái phạm. Bởi cái nền tảng ý thức và văn hóa, đạo đức quá thấp và bệnh hoạn của bọn họ rồi sẽ ma đưa lối, quỷ đưa đường bọn họ vào những vụ “ném đá” tập thể online khác.

Mạng xã hội và nỗi ám ảnh “văn hóa sỉ nhục tập thể”. Ảnh: INTERNET

Khi thói xấu mang tầm “quốc tế

Chắc bạn không quên Monica Lewinsky, nữ thực tập sinh Nhà Trắng Mỹ, từng làm kinh động cả thế giới vào năm 1998 với vụ “bê bối tình dục” xuất phát từ chuyện cô lỡ yêu sếp của mình là tổng thống Mỹ. Có thể nói Monica là nạn nhân nổi tiếng nhất của trò “ném đá”.

Monica năm nay 41 tuổi, là một nhà hoạt động xã hội Mỹ. Hồi tháng 3-2015, cô đã có một buổi nói chuyện với công chúng trên Kênh truyền hình TED về cái gọi là “văn hóa sỉ nhục online” (online culture of humiliation) đang bị biến thái dần như một trong những mặt trái của Internet. Khi xảy ra sự việc, Monica mới 24 tuổi và lúc đó chưa có mạng xã hội, người ta chỉ có thể chia sẻ ý kiến trên các trang web và qua email. Vậy mà như Monica nói: “Đối với cá nhân tôi, chỉ qua một đêm là từ một con người hoàn toàn riêng tư trở thành một kẻ bị sỉ nhục công khai trên khắp thế giới. Năm 1998, tôi mất hết thanh danh và phẩm giá. Tôi đã mất gần như mọi thứ và tôi suýt mất cả mạng sống của mình”.

Năm 15 tuổi, cô nữ sinh Rehtaeh Parsons ở Nova Scotia (một tỉnh duyên hải ở Canada) đi dự một buổi tiệc của bạn bè và trở thành nạn nhân của một vụ hiếp dâm tập thể. Một kẻ thủ ác đã chụp ảnh nạn nhân đang bị hành hạ rồi chuyền qua một người bạn. Người này lại chia sẻ cho một tay bạn khác, cứ như thế cuối cùng mọi người đều nhìn thấy tấm ảnh đó trên mạng. Những kẻ “ném đá” đã gọi cô gái là “con điếm”, hào hứng sỉ nhục cô cả ngoài đời lẫn trên mạng. Tháng 4-2013, một năm rưỡi sau khi xảy ra vụ việc, cô gái trẻ Rehtaeh chịu đời không nổi nữa đã đầu hàng bằng cái chết.

Khi phải báo động về nạn sỉ nhục trên mạng đang lộng hành ở Trung Quốc, tờ báo tiếng Anh Global Times của nước này ngày 7-4-2015 đã chua chát nói rằng: Nạn sỉ nhục công cộng dường như có một cội nguồn văn hóa nào đó ở Trung Quốc, nơi người ta chẳng ngần ngại tìm chiến thắng về mình bằng cách hủy hoại thanh danh đối thủ cạnh tranh.

Internet có tội hay không?

Internet nói chung và các mạng truyền thông xã hội nói riêng chỉ là những phương tiện, những công cụ được con người tạo ra để phục vụ cuộc sống con người, với mục đích làm cho cuộc sống thêm đáng sống hơn. Còn việc sử dụng chúng tốt xấu ra sao là tùy vào mỗi người sử dụng. Đừng bao giờ đổ thừa hay tính chuyện truy cứu trách nhiệm hình sự chúng.

Đọc thêm