World Wide Web tròn 25 năm tuổi và những sự thật thú vị

Ngày 13/3/1989, nhà vật lý học và khoa học máy tính người Anh Tim Berners-Lee đã đưa ra khái niệm về “hệ thống siêu văn bản toàn cầu”, tiền đề cho sự ra đời của World Wide Web (WWW hay đơn giản hơn là Web). Ban đầu, Berners-Lee đưa ra khái niệm về Web đơn giản chỉ nhằm mục đích cải thiện khả năng giao tiếp và quản lý thông tin giữa các tổ chức nơi Berners-Lee đang làm việc, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN). Nhưng cuối cùng, Berners-Lee đã nhận ra rằng các trang web có thể được sử dụng với nhiều mục đích hơn nữa.
Tim Berners-Lee, cha để của WWW
Tim Berners-Lee, cha để của WWW
Sau khi cho ra mắt khái niệm về Web, Tim Berners-Lee sử dụng một chiếc máy tính NeXT để tạo nên trình duyệt web đầu tiên và xây dựng trang web đầu tiên. 
Vào ngày 20/12/1990, tại cơ sở của CERN ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ, Tim Berners-Lee đã công bố trang web đầu tiên trên thế giới, với tên miền info.cern.ch, chạy trên 1 máy chủ NeXT của CERN, với nội dung là danh bạ điện thoại các nhân viên tại CERN.
Trên thực tế, vào thời điểm đó, chỉ có Berners-Lee và các đồng nghiệp của mình tại CERN mới có thể truy cập vào trang web này bởi 1 lý do đơn giản: chỉ có máy tính của họ mới có trình duyệt web. Phải đến tận năm 1993, khi trình duyệt Mosaic dành cho nền tảng Unix và Windows ra đời, lúc này website mới bắt đầu dần trở nên phổ biến hơn.
World Wide Web được mở rộng ra Internet từ năm 1991 khi CERN nhận thấy không thể bảo đảm việc nghiên cứu phát triển. Các nhà tổ chức đã thực hiện một quyết định quan trọng 2 năm sau đó là không thu phí bản quyền, tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận và nắm bắt để xây dựng các trang web mới.
Năm 1994, Berners-Lee thành lập Tổ chức World Wide Web (thường biết đến với tên gọi W3C) tại học viện công nghệ MIT (Bang Massachusetts, Mỹ). Tổ chức W3C sẽ chịu trách nhiệm để tạo ra những tiêu chuẩn cho các trang web để đảm bảo rằng các trang web khác nhau sẽ hoạt động theo cách tương tự nhau.
Chiếc máy tính NeXT của Tim Berners-Lee, máy chủ đầu tiên trên thế giới
Chiếc máy tính NeXT của Tim Berners-Lee, máy chủ đầu tiên trên thế giới
Hiện Berners-Lee vẫn đang giữ vai trò lãnh đạo W3C. Mặc dù hiện có một vài sự khác biệt giữa các trang web và trình duyệt, nhưng nếu không có sự định hướng của W3C, chắc hẳn thế giới web sẽ trở thành một “mớ hỗn độn” và sẽ không như chúng ta biết ngày hôm nay.
Có không ít người vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm Web và Internet, tuy nhiên trên thực tế Web là một phần của Internet và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tiềm năng của Internet.
Có thể nói, sự ra đời của web là một trong những sự ra đời có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Internet. Thậm chí, nhiều người cho rằng nếu không có sự xuất hiện của website, chưa chắc Internet đã trở nên phổ biến rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống ngày nay.
Một vài thông tin thú vị về World Wide Web:
- Trước khi chọn tên World Wide Web, Tim Berners-Lee đã dự định sử dụng các tên sau để đặt cho khái niệm mà mình đưa ra: Information Mesh, Mine of Information, The Information Mine (tuy nhiên, Berners-Lee nghĩ rằng từ này sẽ tạo thành từ viết tắt TIM, tên của ông. Điều này lại quá ích kỷ).
- Trang web đầu tiên và trình duyệt web đầu tiên được viết trên máy tính NeXT của hãng máy tính NeXT, hãng máy tính được sáng lập bởi Steve Jobs sau khi Jobs bị “đá” khỏi Apple.
- Trình duyệt web đầu tiên được Berrners-Lee viết bằng ngôn ngữ C, có tên gọi WorldWideWeb. Ông đã mất 3 tháng để hoàn tất. Trình duyệt này chỉ hoạt động trên nền tảng máy tính NeXT.
Giao diện của WorldWideWeb, trình duyệt web đầu tiên trên thế giới
Giao diện của WorldWideWeb, trình duyệt web đầu tiên trên thế giới
- Trang web đầu tiên trên thế giới nằm tại địa chỉ tên miền info.cern.ch, với nội dung là danh bạ điện thoại các nhân viên tại CERN.
- Mặc dù trang web đầu tiên được Berners-Lee đặt tại info.cern.ch, tuy nhiên, domain (tên miền) đầu tiên trên thế giới được đăng ký vào tháng 3/1985 là symbolics.com. Hiện domain này vẫn đang hoạt động và là domain có “tuổi thọ” cao nhất thế giới.
- Tim Berners-Lee đã từng bày tỏ sự tiếc nuối khi đưa thêm 2 đường gạch chéo (//)  vào địa chỉ các trang web. Berners-Lee cho rằng chỉ cần dấu “:” là đã đủ để phân cách giữa phần chữ chỉ giao thức truyền tải tập tin (như HTTP hoặc FTP) với phần còn lại của địa chỉ web. 
Vì sao Web lại được phát minh tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN)? 
Website và hạt nhân, 2 điều này dường như không hề có sự liên quan nào. Tuy nhiên, Tim Berners-Lee đã làm việc tại CERN vào những năm 1980, khi ông bắt đầu dự án Tangle, ứng dụng cho phép ông liên lạc với các đồng nghiệp tại CERN thông qua các máy tính. 
Hàng ngàn nhà nghiên cứu đến CERN, thực hiện các thí nghiệm bằng máy tính của họ (là những máy tính mà họ mang theo), sau đó mang các dữ liệu của CERN về nhà. Tuy nhiên, không phải máy tính nào mà các nhà khoa học mang đến cũng có thể tương thích với hệ thống của CERN.  
Với vai trò là 1 chuyên gia phần mềm, Berners-Lee phải có trách nhiệm giúp mọi người làm việc với nhau. Berner-Lee nghĩ rằng mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu máy tính có thể truy cập trực tiếp vào dữ liệu từ xa. Đó là ý tưởng ban đầu cho sự ra đời của Web.
Theo Phạm Thế Quang Huy (Dân Trí)

Đọc thêm