VN vẫn chưa có tên trên "bản đồ iPhone"

Theo trang web chính thức của "Quả táo", đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ bán chiếc di động của họ. Hai địa danh khác chuẩn bị gia nhập vào danh sách này là Equatorial Guinea và Guinea-Bissau.

VN vẫn chưa có tên trên "bản đồ iPhone" ảnh 1

"Bản đồ iPhone" của Apple. (bấm vào xem hình lớn).

Trong khi đó, Apple Store dành cho thị trường Việt Nam cũng chỉ có iPod và các dòng máy tính Mac. Điện thoại cảm ứng của hãng vẫn chưa chính thức xuất hiện với các chi tiết về hợp đồng sử dụng như các khu vực khác.

Hiện tại, iPhone của Apple gần như xuất hiện tại khắp các châu lục, riêng Đông Nam Á, một nửa các quốc gia đã phân phối gồm Singapore, Philipine, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, đây là một trong những khu vực có mật độ nước bán iPhone nhiều nhất. Cả châu Á hơn 10 quốc gia có nhà mạng bán iPhone.

Chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007, không lâu sau khi Apple bán chiếc di động này tại Mỹ. Sau ba đời máy, đây được xem là dòng smartphone có doanh số chủ đạo của nhiều cửa hàng. Tuy nhiên, tất cả các phiên bản iPhone xuất hiện tại Việt Nam đều là xách tay.

Đầu năm 2010, Viettel bất ngờ tuyên bố, họ đã giành được hợp đồng đưa chiếc di động này về Việt Nam từ tháng ba. Ngay sau đó 5 ngày, các đại diện của VinaPhone, Mobifone cũng tuyên bố, họ sẽ là các nhà mạng bán chiếc di động này.

VN vẫn chưa có tên trên "bản đồ iPhone" ảnh 2

iPhone vẫn chưa chính thức đến Việt Nam sớm. Ảnh: Quốc Huy.

Tuy nhiên, hiện đã là tháng 3, thời điểm mà Viettel tuyên bố đưa model này về nước, nhưng vẫn chưa có động thái nào về kế hoạch này. Anh Hải Linh (chủ một cửa hàng bán iPhone ở đường Giải Phóng - Hà Nội) cho biết, iPhone khó đến Việt Nam chính thức trong tháng này, "trước khi bán ra vài tháng, Apple đã đưa các quốc gia xuất hiện dưới dạng "Coming Soon" trên trang web (như trường hợp Equatorial Guinea và Guinea-Bissau) hiện tại, nhưng Việt Nam thì chưa thấy gì".

Cả VinaPhone và Viettel hiện vẫn đang hoàn tất các thủ tục, điều khoản, trong khi Mobifone thì vẫn lặng thinh. Vướng mắc được các nhà mạng đưa ra là các điều kiện kinh doanh hiệu quả với đối tác. Trong khi các chuyên gia nhận định, giá iPhone từ các nhà mạng khó có thể cạnh tranh với "hàng xách tay", BlackBerry chính hãng từ Viettel là một ví dụ.

"Các nhà mạng đưa iPhone về Việt Nam gần như chỉ là quảng bá thương hiệu, giới thiệu gói dịch vụ 3G, trong khi Apple luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu", anh Hải Linh nhận định.

Cùng tâm lý này, nhiều chủ hàng "xách tay" ở Hà Nội và TP HCM cho biết, thị trường sẽ không có nhiều thay đổi một khi có iPhone chính hãng, nếu như các nhà mạng không giới thiệu đến người dùng mức giá tốt hơn họ.

Theo Quốc Huy (Sohoa)

Đọc thêm